Cải cách hành chính, giảm chi phí chưa thể giúp doanh nghiệp Việt lớn lên

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia đều có nhận định chung tại Diễn đàn doanh nghiệp 2017 với chủ đề “Kiến tạo môi trường cho doanh nghiệp tư nhân phát triển” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức chiều nay 26/10 tại Hà Nội.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu đánh giá, hiện nay, DN Việt Nam có 5 rào cản, khó khăn tác động đến hiệu quả kinh doanh và sự tồn tại của DN, đó là: gánh nặng pháp luật- chi phí và thời gian để tuân thủ pháp luật; rủi ro pháp lý; rào cản hay độ an toàn và bảo vệ tài sản trong kinh doanh (sở hữu trí tuệ); chính sách cạnh tranh kém và thứ 5 là nội tai của DN, quản trị DN yếu.
 
Đi vào cụ thể từng vấn đề ông Hiếu cho hay gánh nặng chi phí của DN ta vẫn còn cao. Hiện nay tất cả các Nghị quyết của Chính phủ mới tập trung giải quyết 1 yếu tố đó là cắt giảm thời gian chi phí DN. Còn lại rủi ro cho DN rất ít được nhắc đến. Ông Hiếu ví dụ một DN nhâp khẩu một lô thuốc đúng vào dịp xảy ra một dịch bệnh, nhưng không tiên liệu được trong thủ tục hành chính, DN dự liệu lô thuốc nhập khẩu dự chỉ 3 ngày được thông quan nhưng nếu thời gian quá đi DN có thể bị đối thủ bán trước và khi dịch hết thì chỉ chờ hết hạn.
Thứ ba, độ an toàn về mặt bảo vệ quyền tài sản của Việt Nam, VN đứng thứ 88/128,đặc biệt là bảo vệ quyền tác giả, sáng chế sản phẩm rất thấp, hàng giả, hàng nhái đáng báo động.
Liên quan đến chính sách cạnh tranh, “năm vừa rồi theo Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu năng lực cạnh tranh của Việt Nam năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc nhưng nhìn vào các chỉ số nhỏ như chống độc quyền và đảm bảo cạnh tranh chỉ số của ta rất thấp, xếp thứ 94/138 quốc gia có nghĩa thực thi cạnh tranh khái niệm cạnh tranh của ta còn khá mới mẻ”, ông Hiếu nhận xét. Về quản trị DN, Phó Viện trưởng CIEM cho hay, trong thẻ điểm quản trị ASEAN, Việt Nam rơi vào 35/100 điểm thấp hơn rất nhiều các nước trong khu vực.
Đồng quan điểm TS Võ Trí Thành nhận xét, tất cả những nỗ lực vừa qua của các Bộ ngành rất đáng khen ngợi, cắt giảm thủ tục hành chính nhưng cơ bản mới xử lý được 1 vấn đề trong kinh doanh là gia nhập thị trường còn các vấn đề khác như để hoạt động, tồn tại DN để DN thực sự lớn thì chưa ví như cạnh tranh rất kém, chế tài thực thi hợp đồng kinh doanh rất thấp, rút lui khỏi thị trường Việt Nam cũng rất thấp. DN Việt hiện nay đúng nghĩa lớn chưa có. Lớn phải có 3 điều thương hiệu toàn cầu, và theo như ông Thành trong khu vực còn khó, công nghệ sáng tạo rất thấp và cái thứ ba là phải chi phối được mạng phân phối thì cả 3 vấn đề này DN Việt rất kém và theo ông Thành vẫn còn rất nhiều dư địa để cải cách.
Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng đinh, chủ trương phát triển kinh tế tư nhân gắn liền với chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Kinh tế tư nhân là chủ thể quan trọng nhất trong nền kinh tế thị trường hiện đại. “Mặc dù quy mô của khu vực tư nhân có thể khác nhau, song có một điều chắc chắn rằng, nếu không có khu vực kinh tế tư nhân thì sẽ không có nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa của nó” – ông Phòng nói.