Cải cách hành chính tại Quận Ba Đình: Không ngừng tăng sự hài lòng của người dân

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây, công tác cải cách hành chính (CCHC) của quận Ba Đình có nhiều chuyển biến tích cực, một phần quan trọng nhờ quyết liệt đổi mới phương thức điều hành theo nguyên tắc “5 rõ” cũng như thường xuyên rà soát thủ tục hành chính (TTHC) từ quận đến phường, nhằm đảm bảo phục vụ người dân nhanh nhất, đúng quy định.

 Cán bộ làm việc tại Bộ phận một cửa UBND phường Điện Biên, quận Ba Đình. Ảnh: Phạm Hùng
Đề xuất đơn giản nhiều TTHC
Để theo dõi chính xác công tác CCHC của các phường, quận đã xây dựng, ban hành chỉ số và đánh giá thí điểm công tác CCHC của 14 phường, từ đó điều chỉnh và ban hành Chỉ số CCHC giai đoạn 2017 - 2020 để đánh giá UBND phường, định kỳ từ 2017. Bên cạnh đó, quận triển khai đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước thuộc quận.
Trong đó đã đánh giá cụ thể bộ phận Một cửa (BPMC) quận và 14 phường với gần 1.800 phiếu điều tra về 10 TTHC thuộc 4 lĩnh vực, như: Cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP cho tổ chức; cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị; đăng ký thành lập hộ kinh doanh; đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú...

Đặc biệt, UBND quận cũng thường xuyên chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát quy định về TTHC thuộc thẩm quyền. Với 277 TTHC cấp quận, 152 TTHC cấp phường, vừa qua UBND quận đã báo cáo đề xuất đơn giản hoá với 1 TTHC lĩnh vực tư pháp, 4 TTHC về y tế, 6 TTHC về công thương và bãi bỏ 4 TTHC về tư pháp. Từ quận đến phường cũng thực hiện nghiêm Quyết định 07 năm 2016 của UBND TP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Hiện 100% TTHC thuộc thẩm quyền của quận, phường được áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO theo TCVN 9001:2008.

Tích cực hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến

Nhằm ngày càng nâng cao sự hài lòng của công dân khi giải quyết TTHC, cùng với đề xuất đơn giản hóa nhiều TTHC, thời gian qua, từ quận đến 14 phường cũng đồng loạt tổ chức triển khai hiệu quả 100% dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 với các TTHC thuộc thẩm quyền.

Đang làm TTHC liên thông “3 trong 1” cho cháu tại BPMC phường Đội Cấn, ông Đặng Văn Sơn (Chi bộ 8, phường Đội Cấn) chia sẻ: “Được cán bộ nhiệt tình hướng dẫn đăng nhập trực tuyến, hẹn trả kết quả chỉ sau vài ngày, tôi thấy đây là cải cách lớn của chính quyền, giúp người dân đỡ đi lại nhiều, lại tránh nhũng nhiễu từ cán bộ”. Ông Sơn là một trong nhiều người dân Ba Đình được hưởng lợi từ DVCTT mức độ 3 cấp phường từ hơn một năm qua.
Thực tế cho thấy, UBND quận đã tập trung tuyên truyền DVCTT mức 3 bằng nhiều hình thức để người dân dễ tiếp cận nhất, tổ chức nhiều lớp tập huấn sử dụng DVCTT cho hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên để hướng dẫn người dân. Không chỉ tuyên truyền trên loa, Đảng ủy nhiều phường còn ban hành nghị quyết chuyên đề, gửi văn bản đến các tổ trưởng dân phố, phát hàng nghìn tờ rơi hướng dẫn thực hiện DVCTT cho hộ dân, tuyên truyền tận hội nghị tổ dân phố... Các phường cũng cử công chức, đoàn viên “cầm tay chỉ việc” cho người dân ngay tại BPMC.
Đặc biệt, nhiều phường như Vĩnh Phúc, Nguyễn Trung Trực, Thành Công… còn triển khai đăng ký DVCTT tại Nhà văn hóa phường, cử đoàn viên hàng ngày mang máy tính đến đây hướng dẫn công dân nộp hồ sơ trực tuyến...

Với những cố gắng đó, từ chỗ các phường chưa đạt 50% số người giao dịch hành chính sử dụng DVCTT, đến nay, 100% hồ sơ hành chính lĩnh vực tư pháp đã được thực hiện qua DVCTT mức 3, với nhiều phường đạt 30 - 40% tỷ lệ người dân tự làm.

Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Quang Trung cho biết: Ngay trong năm nay, cùng với phát huy những ưu điểm của chỉ số CCHC cấp huyện mà quận Ba Đình nói riêng, TP nói chung đã đạt được, quận cũng sẽ hoàn thiện, đánh giá chỉ số CCHC cấp phường; tổ chức đo lường sự hài lòng của công dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính thuộc quận để đề ra giải pháp nâng cao chất lượng CCHC, cung cấp dịch vụ. Bên cạnh triển khai hiệu quả DVCTT mức 3, 4, sẽ thường xuyên rà soát TTHC để đơn giản hoá, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết cho công dân, song song với kiên quyết xử lý cán bộ, công chức vi phạm quy định về giải quyết TTHC, quy tắc ứng xử.