Cải cách kiểm tra chuyên ngành: Phải tốt hơn, thuận lợi hơn, hiệu quả hơn

Lệ Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay khi Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Trong đó, đặc biệt chú trọng nội dung xây dựng nghị định để làm cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước triển khai thực hiện theo mô hình mới.

Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, mục tiêu của nghị định này nhằm giảm thời gian và chi phí, tạo thuận lợi cho DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao năng lực quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, thay đổi cách thức quản lý hiệu quả hơn bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối chia sẽ thông tin. “Nghị định phải kế thừa được các quy định đã đạt kết tích cực trước đây, cải cách phải tốt hơn, thuận lợi hơn, hiệu quả hơn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhận định, cải cách là cả quá trình thay đổi nhận thức, rất khó khăn, chính vì vậy, để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 38/QĐ-TTg ngày 12/1/2021 cần sự chung tay cùng xây dựng để cải cách mang lại lợi ích chung cho nền kinh tế, xã hội.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chủ trì Hội nghị trực tuyến hoàn thiện dự thảo Nghị định
Trên tinh thần đó, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đề nghị các bên tham gia hoàn chỉnh nghị định để trở thành văn bản pháp lý, căn cứ pháp lý để triển khai cải cách kiểm tra chuyên ngành.
Theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham), nguyên tắc cơ quan Hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu và thực hiện trên Hệ thống một cửa quốc gia. Việc áp dụng đồng thời 3 phương thức kiểm tra dựa trên quản lý rủi ro cho lĩnh vực kiểm tra chất lượng (bao gồm kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm) là điểm nổi bật của mục tiêu xây dựng nghị định. Bên cạnh đó việc áp dụng công nghệ thông tin để kết nối thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước và tích hợp hệ thống thông quan tự động của Hải quan với Cổng thông tin một cửa quốc gia sẽ giúp giám sát, quản lý rủi ro tốt hơn.
Góp ý hoàn chỉnh dự thảo lần này, đại diện AmCham đề nghị tiếp tục loại trừ thực phẩm khỏi điểm 1 Điều 3 của dự thảo quy định về hàng hóa giống hệt, vì không giống như máy móc – thiết bị, màu sắc của thực phẩm là một yếu tố quyết định đến chất lượng. Do đó, thực phẩm có màu sắc khác nhau không thể được coi là hàng hóa giống hệt.
Phía đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn chất lượng, Bộ Khoa học - Công nghệ cho rằng Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã rất nỗ lực trong việc đề xuất phương án cải cách kiểm tra chuyên ngành, quyết liệt triển khai Quyết định 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Góp ý vào dự thảo nghị định triển khai, đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn chất lượng nêu nhiều ý kiến cụ thể về dự thảo. Đặc biệt ban soạn thảo cần đánh giá tác động của nghị định này phải rất rõ ràng. Đồng thời quy định rõ trình tự thủ tục, cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa Bộ Tài chính với cơ quan quản lý.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai yêu cầu Tổng cục Hải quan, Ban soạn thảo lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các bên, đồng thời phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp để chuẩn bị hồ sơ trình Chính phủ. Trong đó, Thứ trưởng đề nghị phải làm rõ sự cần thiết của nghị định và nhiệm vụ Thủ tướng giao tại Quyết định 38/QĐ-TTg, nêu được các nội dung cải cách so với hiện hành; đánh giá tác động của nghị định đến DN, nền kinh tế, cơ quan quản lý; báo cáo các ý kiến còn khác nhau và làm rõ việc tổ chức triển khai như thế nào khi nghị định được thông qua.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần