Cải cách thể chế, môi trường kinh doanh: Cần minh bạch và thực chất

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia đánh giá, nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục đòi hỏi phải có sự cải cách mạnh mẽ, thực chất hơn về thể chế, nhất là các thủ tục liên quan đến thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, để đạt được tốc độ tăng trưởng cao và bền vững.

Giấy phép con mọc lại
Năm 2017, chỉ số về môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 14 bậc, mức tăng mạnh nhất trong một thập niên qua, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137). Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Minh Thảo cho rằng, năm qua, môi trường kinh doanh của Việt Nam có cải thiện nhưng so với yêu cầu vẫn còn khoảng cách. Đó là nhóm yếu tố về đổi mới sáng tạo trong kinh doanh cải thiện rất chậm, thậm chí suy giảm. Khởi sự kinh doanh giảm 2 bậc do DN phải trải qua 9 bước thủ tục, mất 22 ngày.
 May hàng xuất khẩu tại Công ty CP May Chiến Thắng. Ảnh: Việt Linh
Giao dịch thương mại qua biên giới cải thiện chậm do những vướng mắc về kiểm tra, quản lý chuyên ngành. Đáng chú ý, nhiều năm qua, Ngân hàng thế giới (WB) không ghi nhận cải cách nào của Việt Nam về Đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản. “Năm 2018, phương pháp luận của WB sẽ thay đổi, hướng tới cách mạng 4.0, chỉ số khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ được đánh giá cao. Giữ được các thứ hạng đã là khó nếu xét đến các yếu tố mới” - bà Thảo nhận định.

"Cần tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm 1/3 - 1/2 số ĐKKD thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của các bộ trong quý III/2018, giảm ít nhất 50% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành trong từng lĩnh vực hoàn thành trong quý IV/2018. Đồng thời tập trung cải thiện các chỉ số còn thấp điểm, thấp hạng và chậm cải cách; đẩy mạnh Chính phủ điện tử..."- Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM Nguyễn Minh Thảo

Tính đến cuối tháng 12/2017, đã có 5 bộ thực hiện rà soát và đưa ra phương án bãi bỏ điều kiện kinh doanh (ĐKKD) hiện hành trong lĩnh vực quản lý của các bộ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Qua tổng hợp, vẫn còn những ĐKKD không cần thiết, hoặc được quy định chung chung, không cụ thể. “Có rất nhiều ĐKKD được đề xuất bãi bỏ, sửa đổi, tuy nhiên có tới khoảng ½ số điều kiện thuộc diện sửa đổi” - bà Thảo cho biết.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bình luận, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Bộ GTVT về kinh doanh và ĐKKD vận tải bằng xe ô tô, tư duy làm luật vẫn không thay đổi như cách đây 10 năm. “Quy định lái xe phải mang theo danh sách hành khách có xác nhận của đơn vị kinh doanh, trước khi thực hiện vận chuyển phải thông báo tới Sở GTVT các thông tin của chuyến đi… vừa không hiệu quả thực tế, vừa phản cạnh tranh”. Hay như quy định kinh doanh dịch vụ ăn uống phải có ít nhất 50 chỗ ngồi; kinh doanh mua sắm, thể thao, giải trí, sức khỏe, ăn uống... phải thanh toán bằng thẻ tín dụng mới đạt chuẩn phục vụ du khách... trong Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch 2017. Thực tế cho thấy xóa bỏ “giấy phép con” lại lòi “giấy phép cháu"…

Cải cách theo nguyên tắc thị trường

Các chuyên gia cho rằng, thể chế cơ chế chính sách cần phải công khai minh bạch. Nếu bị lợi ích riêng, lợi ích nhóm sẽ hạn chế cải cách. Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng, năm 2018, cải cách phải mạnh hơn theo kinh tế thị trường và chuẩn mực quốc tế trên tiêu chí cạnh tranh công bằng hơn, kinh doanh an toàn hơn, rủi ro thấp hơn, chi phí thấp hơn. “Chỗ nào không phù hợp thì phải thay đổi. Mấu chốt là cải cách chức năng, thay đổi vai trò Nhà nước và thị trường, từ đó bộ máy sẽ chuyển động theo, cái nào thừa đương nhiên sẽ bị loại bỏ”- ông Cung nói.

Theo Viện trưởng CIEM, muốn thay đổi không chỉ là xử lý theo kiểu từng văn bản, vụ việc. Cần thay đổi toàn diện, đột phá, bỏ rất nhiều cái cũ, từ đó thay đổi cách thức quản lý. Bởi nếu thay đổi nhỏ giọt cả hệ thống cũng vẫn đi theo cách cũ. Cải cách phải mạnh, độc lập mới nhìn thấy bóng dáng của thị trường hiện đại. Tách các DN ra khỏi bộ chuyên ngành sẽ phải hoạt động bình đẳng hơn, không được các bộ kiến nghị các chính sách có lợi cho DNNN nữa.

Bộ Công Thương là đơn vị đầu tiên thực hiện rà soát và có phương án cắt giảm 675/1216 ĐKKD thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ (chiếm 55%); Bộ Xây dựng đề xuất bãi bỏ 89/215 ĐKKD (chiếm 41,3%); Bộ Y tế đề xuất cắt giảm 36 /263 ĐKKD (chiếm gần 14%) đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Bộ quản lý; Bộ NN&PTNT đề xuất bỏ 118/345 ĐKKD (chiếm 34,2%), trong đó bãi bỏ 65 điều kiện, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện, dự kiến ban hành quý II/2018.