Cải cách thủ tục hành chính: Tỷ lệ hài lòng của người dân tăng

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một tín hiệu đáng mừng trong cải cách hành chính (CCHC) của Hà Nội đã được nhiều sở, ngành, quận, huyện chỉ ra trong cuộc họp mới đây của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Chương trình 08-CT/TU: Kết quả đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ tại nhiều cơ quan trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) đã đạt mức khá trở lên. Đây chính là tiền đề quan trọng để triển khai những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

 Công chức BPMC phường Đội Cấn (quận Ba Đình) hướng dẫn người dân thực hiện TTHC.
Hài lòng với việc giải quyết nhiều thủ tục

Phản ánh kết quả khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ trong thực hiện TTHC năm qua, đại diện một số sở, ngành cho biết: Với thủ tục đăng ký kinh doanh, mức độ hài lòng đạt 74,8%; thủ tục khám chữa bệnh đạt 72,1%; cấp phép xây dựng đạt 82,7%; đo lường chất lượng 80%... Riêng với 8 dịch vụ hành chính công thuộc Sở GD&ĐT, có hai dịch vụ đạt mức hài lòng tới 98%, hai dịch vụ đạt 95%, một dịch vụ đạt 90%, hai dịch vụ đạt 85%, một dịch vụ đạt 82,5%...

Theo BCĐ Chương trình 08-CTr/TU, từ năm 2018 đến nay, mức hài lòng của tổ chức, công dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính được nâng lên cũng nhờ việc đối thoại với công dân về TTHC được đẩy mạnh, nhiều kiến nghị của người dân, DN đã được tháo gỡ... Thực tế nhiều quận, huyện, xã, phường gần đây, những TTHC còn cồng kềnh, rườm rà đã được rà soát, báo cáo TP cắt giảm. Tại phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm), mức hài lòng của người dân ngày càng tăng nhờ phường triển khai mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm” đến mọi bộ phận chuyên môn. Trong đó, đã lắp bảng biểu về “5 rõ”, “5 biết” (biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi, biết cảm ơn), “3 không” (không chậm trễ giải quyết hồ sơ và công việc, không sách nhiễu phiền hà Nhân dân, không để công dân đi lại nhiều lần)… Hình ảnh bộ phận "một cửa" (BPMC) gắn liền “nụ cười công sở” và trang phục lịch sự, ứng xử nhã nhặn của cán bộ công chức (CBCC) khi giải quyết TTHC đã giúp chính quyền phường “tăng điểm” đáng kể trong đánh giá của người dân.

Tại BPMC xã Quất Động (Thường Tín), bà Nguyễn Thị Thoi (thôn Nguyên Bì) đang lấy đăng ký khai sinh cho cháu cũng chia sẻ: “Giờ ra UBND xã giải quyết hồ sơ, tôi không còn phải chờ lâu. Công chức rất ân cần hướng dẫn tôi kê khai, chuẩn bị giấy tờ”. Sự hài lòng của người dân chính là kết quả từ quyết tâm trong cả hệ thống chính trị huyện để ngày càng tăng chất lượng giải quyết TTHC. Theo khảo sát của huyện thông qua phát phiếu tại BPMC cho thấy, cấp huyện gần 90%, cấp xã gần 70% “rất hài lòng”; cả hai cấp không có ý kiến “không hài lòng”.

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ

Họp triển khai nhiệm vụ năm 2019 BCĐ Chương trình 08-CTr/TU mới đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, đề nghị mọi cơ quan, đơn vị hướng tới mục tiêu chung là lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ. Muốn làm được, phải thực hiện tốt 2 quy tắc ứng xử, 100% hồ sơ thực hiện qua một cửa, một cửa liên thông đúng hạn, chất lượng; tiếp tục rà soát cắt giảm TTHC... Đặc biệt, bỏ ngay tư duy “cái gì không quản được thì cấm” mà cần hướng tới “người dân, DN được làm mọi việc pháp luật không cấm”.

Để hiện thực những mục tiêu, từ TP đến cấp cơ sở nhỏ nhất, những giải pháp mạnh mẽ đã được triển khai cụ thể. Phó Chủ tịch UBND phường Đội Cấn (quận Ba Đình) Ngô Thị Minh Hằng cho hay: Năm nay, phường đặt mục tiêu 100% hồ sơ được giải quyết đúng, trước hẹn; tối thiểu 10% hồ sơ được tiếp nhận, trả kết quả qua bưu chính. Phường sẽ thực hiện nghiêm việc xin lỗi công dân khi để hồ sơ quá hạn; đồng thời mở rộng, chú trọng các kênh thông tin trực tuyến để tiếp nhận phản ánh của người dân về giải quyết TTHC. Còn theo lãnh đạo phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng), năm nay phường xác định phải xây dựng được đội ngũ CBCC có phong cách ứng xử chuẩn mực, chuyên nghiệp cao trong thực thi nhiệm vụ trên tinh thần “lấy sự hài lòng của người dân và phát triển của DN là tiêu chí đánh giá mức hoàn thành công việc”. Phường sẽ tăng cường nắm bắt nguyện vọng, kiến nghị cũng như mức hài lòng của người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, điều tra xã hội học; đảm bảo mọi người dân được biết, bàn, tham gia những công việc của chính quyền liên quan quyền lợi hợp pháp của họ.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND phường Phúc La (quận Hà Đông) Nguyễn Đức Tiến cùng nhiều lãnh đạo phường, xã đề nghị các cấp chú trọng bồi dưỡng hơn cho CBCC BPMC ở cơ sở để ứng dụng tốt những phần mềm mới, khoa học quản lý, nhằm đưa cơ chế “một cửa” tại địa phương thực sự đem lại hiệu quả. TP, quận cũng cần quan tâm đầu tư hơn về trang thiết bị phục vụ dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 nói riêng, hoạt động công vụ nói chung.