Cải cách tổ chức bộ máy cấp cơ sở: Cần cơ chế mở để đơn vị chủ động sắp xếp

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công việc ngày càng nhiều, người dân đòi hỏi ngày càng cao đối với việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), trong khi số cán bộ công chức (CBCC) trong biên chế được giao lại hạn chế.

Đó là tình trạng chung của nhiều quận, huyện, phường, xã hiện nay, nhất là với những địa bàn đông dân, nhiều dự án. Điều đó tạo sức ép lớn với chính quyền cơ sở để có thể hoàn thành nhiệm vụ trong khi vẫn phải tinh giản biên chế (TGBC).

Cán bộ xã: Giảm nữa thì còn ai làm việc?

Siết chặt kỷ cương hành chính, giảm biên chế theo lộ trình 10%, sáp nhập các đơn vị trực thuộc - chủ trương này của Chính phủ đang được TP Hà Nội chỉ đạo rất quyết liệt và được thực hiện nghiêm ở hầu hết quận, huyện, sở, ngành.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Thu Hà, dù cấp cơ sở nỗ lực chấp hành, song cùng với yêu cầu giảm biên chế nhưng đãi ngộ cho CBCC chưa thỏa đáng, thì rất khó khăn cho cơ sở. Như tại Long Biên, quận đang triển khai rất nhiều dự án, dẫn đến rất nhiều việc liên quan đến GPMB, kéo theo lượng lớn đơn thư. Mỗi ngày, bộ phận một cửa có khi phải giải quyết 100 hồ sơ, trong khi quy định về thời hạn trả kết quả, giải quyết đơn là chung toàn TP, nhưng mỗi phòng chuyên môn chỉ có thể phân công 1 - 2 người giải quyết.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Công Hùng

“Chuyện CBCC quận làm việc đến 20 - 21 giờ và đi làm cả thứ Bảy, Chủ nhật đã trở thành phổ biến. Người dân phải được nhận kết quả đúng hạn, còn chúng tôi sẽ phải xin lỗi, giải trình nếu để chậm muộn. CBCC chính quyền quận, phường đang chịu áp lực rất căng thẳng. Một số công chức xã và ngay tại Long Biên vừa có mấy Phó Chủ tịch phường làm đơn xin về làm kinh tế gia đình, vì áp lực công việc quá nặng, rất khó hoàn thành nhiệm vụ, trong khi thu nhập eo hẹp” - bà Hà nhấn mạnh.

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại Chương Mỹ, huyện có số đơn vị hành chính đứng đầu, diện tích đứng thứ ba TP, gần 33 vạn dân nhưng chỉ được áp dụng bộ máy giống hệt nơi khác. Chủ tịch UBND huyện Đinh Mạnh Hùng bày tỏ: Nhiều huyện chỉ có 12 xã, còn Chương Mỹ có tới 30 xã, 2 thị trấn, song chỉ được 124 biên chế hành chính, không khác gì các nơi. Gần như cả khối chính quyền phải làm việc thứ Bảy, Chủ nhật.

Ông Hùng lấy dẫn chứng trong việc phân cấp cho địa phương: “Từ các đoàn giám sát của Quốc hội, tôi được biết chủ trương tiếp tục giảm biên chế cán bộ chuyên môn cấp xã. Vậy liệu còn ai để làm việc, trong khi toàn bộ công việc liên quan đến người dân chủ yếu được giải quyết ở cấp này? Chỉ có một công chức địa chính xây dựng, giờ cấp “sổ đỏ” mà không có người tham mưu thì chúng tôi làm thế nào? Nếu định phân cấp mạnh cho địa phương, đúng ra phải bớt trong tổng biên chế trên bộ, sở, ngành để chuyển cho huyện. Nhất là trong quản lý di tích, nguyên tắc phân cấp cho địa phương phải kèm theo tổ chức bộ máy, ngân sách, song thực tế hiện mới phân cấp về công việc”. Đồng thời nêu ví dụ: Năm ngoái, Chương Mỹ còn được 4,5 tỷ đồng để chống xuống cấp di tích, nhưng lại được phân cấp một loạt di tích, kể cả di tích từ cấp TP chuyển về, song huyện không được thêm đồng nào. Chùa Trăm Gian đã được phân cấp cho huyện, nhưng khi cần tôn tạo một số hạng mục thì TP lại giao cơ quan của Sở VHTT.

Cũng không nằm ngoài tình cảnh đó, theo lãnh đạo quận Thanh Xuân, TP giao biên chế hành chính, đơn vị sự nghiệp nhiều năm không tăng, song đô thị hóa nhanh, yêu cầu phục vụ người dân ngày càng cao, trong khi chế độ lương chưa thực sự khuyến khích CBCC, nên đang tạo áp lực lớn cho tổ chức bộ máy tại quận.

Đích cuối cùng là hoàn thành tốt nhiệm vụ

Để giải quyết khó khăn cho chính quyền cơ sở, theo nhiều ý kiến, đã chủ trương phân cấp mạnh, cần chuyển cả bộ máy và ngân sách, khi đó huyện, xã mới triển khai được công việc. Lãnh đạo huyện Đông Anh kiến nghị, Chính phủ cần sớm sửa đổi Nghị định 29 ngày 24/12/2012 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, tăng phân cấp cho địa phương để chủ động trong tuyển dụng, bố trí CBCC, viên chức (CBCCVC).

Đáng chú ý, cần thấy rõ số công chức phường không thể giảm thêm nữa, bởi đó là cấp cuối cùng giải quyết việc cho người dân. Đơn cử tại Long Biên, mọi vị trí công chức bộ phận một cửa, văn phòng… đều đang quá tải, kiêm nhiệm nhiều. “Trong TGBC, cần quy định chỗ nào cần giảm, chỗ nào cần tăng thì phải căn cứ khối lượng công việc cụ thể, để khích lệ chứ không tạo thêm áp lực cho CBCC, để họ thấy có thể hoàn thành nhiệm vụ. Nếu “áp” chung chỉ tiêu cho mọi đơn vị sẽ tạo gánh nặng cho CBCC. Mọi giải pháp đang triển khai về biên chế, bộ máy đều cần hướng tới cái đích cuối cùng là để hoàn thành tốt công việc. Điều này không chỉ phụ thuộc chất lượng đội ngũ, mà còn tùy vào các điều kiện đảm bảo cho họ hoàn thành nhiệm vụ” - bà Hà khẳng định.

Đồng quan điểm, Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải nhấn mạnh: TGBC cần theo chỉ đạo, nhưng nơi nào cần giảm thì giảm tối đa, nơi thực sự cần tăng thì vẫn phải bổ sung con người. Ngay tại Hà Nội, quy mô một quận hoàn toàn khác một huyện, nên nếu rập khuôn một tổ chức bộ máy trong quy trình nghiệp vụ cho tất cả thì sẽ triệt tiêu tính sáng tạo của đơn vị. Cần có cơ chế mở để đơn vị chủ động sắp xếp bộ máy.

Nhiều lãnh đạo xã cũng cho rằng, với đặc điểm xã nông thôn hiện nay, có một số chức danh còn bất cập, chưa kịp đáp ứng công việc. Trong đó, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hà (huyện Đông Anh) Đào Văn Đại đề xuất, nên bố trí 2 Phó Chủ tịch để 1 người phụ trách kinh tế, 1 người phụ trách văn hóa xã hội (giữ nguyên như năm 2011). Để ổn định tâm lý cán bộ, Chủ tịch UBND xã Tiên Dương (huyện Đông Anh) Trần Văn Sáng cùng nhiều lãnh đạo xã đề nghị giữ nguyên 100% phụ cấp như trước cho các chức danh kiêm nhiệm, chứ không chỉ 30% hiện nay. Ngoài ra, CBCC khối chính quyền hiện chỉ được phụ cấp công vụ 25% nhưng khối Đảng được 55% (trong cùng đơn vị), đang là chênh lệch lớn, cần được thống nhất.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội:

Tính toán kỹ, tránh nguy cơ mất chất xám

Cần tính toán rất kỹ khi TGBC, nhất là khi nhiều ý kiến đang đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, sinh viên ra trường ngày càng nhiều, trong khi kinh tế phát triển vẫn chậm, chưa thu hút lao động; ngành quản trị ở mức khiêm tốn, nên mỗi công việc triển khai vẫn cần nhiều người… Đặc biệt, đang có hiện tượng một số cán bộ trẻ có năng lực làm việc trong cơ quan nhà nước, nghe nói có thể sáp nhập một số sở, ngành thì bắt đầu xin ra ngoài làm. Như vậy, không cẩn thận sẽ có nguy cơ mất đi một lượng chất xám rất quan trọng, hơn nữa có thể dẫn đến khủng hoảng, mất ổn định xã hội. Thực tế đã nhiều vụ án có bị can, bị cáo có “gốc” là CBCC.

Vì vậy, đề nghị các bộ, ngành đổi mới tư duy khi tham mưu xây dựng chính sách, không thể lấy người thiếu kinh nghiệm thực tiễn làm việc này. Chẳng hạn, thủ khoa đương nhiên là danh hiệu đã được công nhận, nhưng để được tuyển thẳng công chức thì lại quy định phải trình Bộ Nội vụ thẩm định. Chính sách thu hút nhân tài đã có, nhưng các thủ khoa vì thủ tục này phải mất thêm 1 - 2 tháng, trong đó nhiều em không đủ kiên nhẫn, nên khi được gọi vào làm công chức thì trả lời đã đi làm hơn một tháng rồi…


Ông Trần Huy Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội:

Đẩy mạnh xây dựng cơ chế tạo nguồn

Tới đây, Hà Nội sẽ đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng chính sách, cơ chế tạo nguồn, trọng dụng tài năng, nhân lực chất lượng cao (gồm cả CCVC đang làm việc trong các cơ quan TP) để thu hút, có đãi ngộ tương xứng. Về việc này, chúng tôi kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Thủ đô theo hướng tăng thẩm quyền, tự chủ cho Hà Nội, bởi nhiều nội dung chưa phát huy hiệu quả vì chồng chéo về thẩm quyền giữa bộ, ngành và TP, trong đó có lĩnh vực tuyển dụng, đào tạo, thu hút nhân tài, lương, phụ cấp cho CBCCVC.