Trường Tiểu học & THCS Hà Nội Thăng Long: Nâng cao nhận thức về rác thải nhựa

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 21/10, tại trường Tiểu học & THCS Hà Nội Thăng Long, đã diễn ra sự kiện Truyền thông Nâng cao nhận thức về rác thải nhựa, đồng thời công bố kế hoạch hành động và Triển lãm bộ tranh "Cái giá thật sự của nhựa".

Cô Tạ Thị Tam Hà - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ về vai trò của học sinh, giáo viên trong chống rác thải nhựa một lần.

Với mục tiêu nâng cao nhận thức và tạo động cơ hướng tới việc thay đổi hành vi nhóm đối tượng chính trong tiêu dùng và thải loại rác thải nhựa, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF cùng Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential đã phối hợp triển khai rất nhiều các dự án truyền thông, các hoạt động xã hội thiết thực và ý nghĩa.
Đặc biệt, Chiến dịch "Cái giá thực sự của nhựa" nằm trong khuôn khổ dự án Vì một Cộng đồng không rác thải nhựa đã nhận được sự quan tâm, tham gia của rất nhiều trường học trên địa bàn TP Hà Nội. Từ đó, giúp các em học sinh hiểu hơn về giá trị thực sự, những tác hại của nhựa gây ra cũng như có những hành động nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn.
 Những bức tranh về chống rác thải nhựa được các em học sinh trong trường thể hiện

Hưởng ứng tinh thần vì một cộng đồng không rác thải nhựa, cán bộ giáo viên, học sinh trường TH &THCS Hà Nội Thăng Long đã tham gia sôi nổi nhiều hoạt động truyền thông như: Triển lãm tranh do chính các em thể hiện về chống rác thải nhựa, các câu hỏi đố vui về rác thải nhựa; tham gia trao đổi về Cái giá thật sự của nhựa,... Trước đó, giáo viên và học sinh toàn trường đã tích cực trong việc giảm rác thải nhựa trong trường, cùng nhau phân loại rác.
"Trong 2 tuần vừa qua, em cùng các bạn trong trường tham gia vào chương trình chống rác thải nhựa, em rất thích câu lạc bộ này. Em cần phải tham gia phân loại rác nhiều hơn, khi có kiến thức về phân loại rác em sẽ biết rác nào có thể tái chế rác nào không, khi đó em sẽ sử dụng rác tái chế nhiều hơn. Em và các bạn trong trường sẽ cố gắng để tích cực hơn nữa để chống rác thải nhựa", Chi Anh - học sinh lớp 4A5 chia sẻ.
Trao đổi về vấn đề này, cô giáo Tạ Thị Tam Hà - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, theo kết quả kiểm toán rác thải nhựa tại trường thì rác thải nhựa chủ yếu là vỏ bánh kẹo (1,451 cái), chai lọ, vỏ hộp sữa, nhựa cứng (1,685 cái), ống hút, thìa dĩa nhựa (995 cái)… đây là con số không phải nhỏ. “Nhà trường đã đặt ra mục tiêu tới tháng 5/2020, giảm 50% tổng lượng rác thải nhựa.
Cùng với đó, ban hành chính sách giảm nhựa, nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực, lồng ghép nội dung vào bài giảng, thành lập câu lạc bộ Học sinh giảm rác thải nhựa. Đặc biệt, chúng tôi sẽ truyền thông để nâng cao nhận thức hơn nữa cho giáo viên và học sinh toàn trường”- cô Hà chia sẻ.
Các em học sinh trường TH & THCS Thăng Long Hà Nội cùng nhau phân loại rác

Trước đó, tại trường Quốc tế Liên cấp Việt - Úc Hà Nội, trường Tiểu học Lê Quý Đôn Hà Nội, trường Phổ thông Olympia… cũng đã diễn ra hoạt động Kiểm toán rác thải nhựa tại trường học. Với mỗi buổi kiểm toán 30 phút mỗi ngày, các em học sinh không chỉ có thêm hiểu biết về nguồn phát sinh rác thải, hay là khối lượng rác thải tại trường mà còn có thêm kiến thức về tác động của rác thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe con người. Qua đó, nâng cao nhận thức, tiến tới thay đổi hành vi cho các em học sinh nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe được tốt hơn.
Bà Nguyễn Thu Trang - Quản lý dự án Vì một cộng đồng không rác thải nhựa (WWF) cho biết: “Đây là năm đầu tiên dự án phối hợp làm với các trường học tại Hà Nội, sắp tới sẽ lan tỏa vào TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, chúng tôi cũng triển khai các hoạt động này dưới dạng một cuốn tài liệu, với mong muốn các phòng Giáo dục, Sở giáo dục & Đào tạo có thể sử dụng như một tài liệu tham khảo, được áp dụng rộng rãi hơn trong hệ thống trường công lập, để các bạn học sinh được tham gia giống như một chương trình ngoại khóa”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần