Cái kết đắng của cặp vợ chồng lừa đảo

Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bằng thủ đoạn thế chấp một bất động sản cho nhiều người, lừa vay vốn thi công công trình xây dựng và gian dối trong mua bán ô tô, Trần Ngọc Hưng (SN 1962) - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ Ban Dân vận T.Ư nghỉ hưu cùng vợ đã lừa đảo được hàng chục cá nhân và ngân hàng với số tiền lên đến hơn 50 tỷ đồng...

Một mảnh đất được bán cho nhiều người
Sau gần nửa năm hoãn xử, mới đây, TAND TP Hà Nội đã mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Ngọc Hưng cùng vợ là Nguyễn Thị Bích (SN 1964, trú tại phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Liên quan đến vụ án này, Nguyễn Văn Th. (SN 1987) – Cán bộ Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vốn cũng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra bổ sung, cơ quan tố tụng quyết định đình chỉ điều tra vụ án và bị can đối với Th. Theo xác định của cơ quan tố tụng, thời điểm xảy ra vụ án, Th. chỉ là sinh viên mới ra trường vừa về nhận công tác. Do tin tưởng bị cáo Hưng - nguyên là Phó Vụ trưởng nên đã không kiểm soát chặt chẽ hồ sơ và bản thân cũng không được hưởng lợi gì từ vụ việc này…
Theo truy tố, ngày 3/12/2012, Ngân hàng SHB gửi đơn đến Cơ quan CSĐT – Công an TP Hà Nội tố giác vợ chồng Hưng có hành vi chiếm đoạt tiền thông qua việc thế chấp tài sản đảm bảo là nhà và đất tại số 5 (ngách 310/2, đường Nghi Tàm, phường Quảng An, quận Tây Hồ) để vay tiền.

Hai bị cáo Trần Ngọc Hưng và Nguyễn Thị Bích tại phiên tòa. Ảnh: Thiên Bình

Quá trình điều tra đã xác định, do quen biết từ trước nên bị cáo Hưng đã vay của ông Nguyễn Văn Thiện (SN 1975, ở quận Ba Đình, Hà Nội) số tiền 2 tỷ đồng để trả tiền mua nhà ở số 5, ngách 310/2, đường Nghi Tàm. Sau đó, ông Thiện đồng ý và nhờ bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (SN 1965, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) giao tiền. Khi nhận được 2 tỷ đồng từ bà Tuyết, vợ chồng Hưng đã đề nghị ông Thiện chuyển số tiền trên từ vay mượn sang góp vốn mua nhà.
Đến ngày 23/11/2010, vợ chồng Hưng đã ký văn bản thỏa thuận không qua văn phòng công chứng với nội dung: Hưng và Bích sẽ chuyển nhượng lại phần góp vốn mua căn nhà ở số 5 (ngách 310/2, đường Nghi Tàm) với giá 3 tỷ đồng và ông Thiện đồng ý. Theo thỏa thuận, ông Thiện đã giao thêm cho Hưng 2 tỷ đồng và sẽ đưa số tiền 1 tỷ đồng còn lại sau khi hoàn tất thủ tục sang tên và chuyển nhượng căn nhà. Tuy nhiên, sau khi nhận tổng cộng 4 tỷ đồng từ ông Thiện, vợ chồng Hưng đã không bàn giao giấy tờ theo thỏa thuận mà lại đem căn nhà này để ký hợp đồng chuyển nhượng với nhiều người khác rồi chiếm đoạt tiền.
Cụ thể, cuối tháng 4/2011, vợ chồng Hưng đã thế chấp căn nhà ở số 5 (ngách 310/2, đường Nghi Tàm) để vay của anh Nguyễn Quốc Trung (SN 1972, ở quận Đống Đa, Hà Nội) số tiền hơn 4 tỷ đồng. Theo thỏa thuận hai bên, nếu trong một tháng vợ chồng Hưng không có tiền trả thì sẽ chuyển nhượng lại căn nhà trên cho anh Trung. Khi thời hạn của thỏa thuận kết thúc, vợ chồng Hưng đã làm hợp đồng chuyển nhượng căn nhà trên cho anh Trung. Tuy nhiên, Hưng đã đề nghị anh Trung giao sổ đỏ để bị cáo dựa vào quan hệ của mình sang tên đổi chủ. Thế nhưng, khi anh Trung giao sổ đỏ cho Hưng thì vợ chồng bị cáo này lại tiếp tục mang đi lừa người khác.
Điển hình, ngày 20/12/2011, vợ chồng Hưng đã ký hợp đồng bán căn nhà ở số 5 (ngách 310/2, đường Nghi Tàm) cho ông Nguyễn Tiến Hưng (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) với giá 8,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận toàn bộ số tiền nói trên, vợ chồng Hưng không thực hiện chuyển nhượng theo thỏa thuận mà chiếm đoạt.
Tài liệu truy tố cũng thể hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của vợ chồng Hưng trong việc bán nhà đất khác tại địa chỉ số 80 (ngõ 310, tổ 4, cụm 1, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội). Theo đó, đầu năm 2011, vợ chồng Hưng ký hợp đồng mua bán nhà ở và quyền sử dụng đất của căn nhà nói trên với bà Nguyễn Thị Dậu (SN 1957, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) với giá 12 tỷ đồng. Hưng nhận trước 11 tỷ đồng và số tiền còn lại hai bên thỏa thuận sẽ thanh toán sau khi làm xong thủ tục cấp sổ đỏ hoặc ký hợp đồng tại phòng công chứng. Ngoài ra, vợ chồng Hưng cũng cam đoan, trong thời gian 3 tháng kể từ ngày nhận tiền mà chưa làm được sổ đỏ thì phải trả lãi cho bà Dậu 300 triệu đồng/tháng. Còn sau 6 tháng không làm được sổ đỏ thì phải trả lại 11 tỷ đồng và chịu phạt 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng giống như trước đây, khi hết hạn vợ chồng Hưng vẫn không trả lại tiền như cam kết.
Cũng với thủ đoạn tương tự, tháng 8/2011, vợ chồng Hưng tiếp tục bán căn nhà trên cho 2 người khác rồi chiếm đoạt tiền. Ngoài ra, bị cáo Hưng được xác định còn có hành vi chiếm đoạt tiền khi bán xe ô tô nhãn hiệu Huyndai vào tháng 3/2011…
Lừa đảo ngân hàng bằng hồ sơ ảo
Cũng theo truy tố, đầu tháng 5/2011, bị cáo Nguyễn Thị Bích với tư cách là Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Thượng Sơn (trụ sở tại TP Hải Dương) có giấy đề nghị vay vốn tại Ngân hàng SHB - Chi nhánh Hà Nội, Phòng giao dịch Hoàng Quốc Việt số tiền 6 tỷ đồng để sản xuất kinh doanh.
Sau khi tiếp nhận đề nghị, Giám đốc Phòng giao dịch Hoàng Quốc Việt đã giao cho Nguyễn Văn Th. là cán bộ tín dụng tiếp nhận giải quyết. Sau thời gian tiếp nhận hồ sơ, ngày 14/5/2011, Th. đã lập tờ trình thẩm định khách hàng Bích và Hưng để trình giám đốc ký. Nội dung tờ trình xác định: Mục đích cho vay vốn 6 tỷ đồng với thời hạn 12 tháng để thanh toán góp vốn thi công xây dựng công trình “Cải tạo trường THCS Kim Sơn”... Còn về phần bị cáo Bích, tờ trình này cho rằng: Từ tháng 1/2008, bà Bích là Giám đốc kiêm Trưởng Chi nhánh Công ty Công ty CP Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Thượng Sơn tại Hà Nội. Qua tìm hiểu của cán bộ tín dụng thấy bà Bích là người quản lý tốt, quan tâm sâu sát đến từng nhân viên… Tuy nhiên, trên thực tế, bà Bích đã không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào.
Sau khi Giám đốc Phòng giao dịch Hoàng Quốc Việt ký vào tờ trình do Th. lập rồi trình lên giám đốc chi nhánh duyệt và có ý kiến là đồng ý theo đề xuất, đánh giá của phòng. Đồng thời, yêu cầu trước khi giải ngân phải kiểm tra, thẩm định chính xác mục đích vay vốn và tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, cả Giám đốc Phòng giao dịch Hoàng Quốc Việt và Th. chỉ lập biên bản định giá tài sản đảm bảo vay tiền và xác định thế chấp của hai vợ chồng bị cáo Bích 8 tỷ đồng. Ngoài ra, không thẩm định chính xác và rõ ràng mục đích vay vốn để phát hiện sự gian dối trong phương án kinh doanh của bị cáo Bích. Để rồi, đến khi ngân hàng nhiều lần làm việc về thông báo lãi, tiền phạt trả lãi chậm thì vợ chồng Hưng khất lần và không thực hiện.
Khi Cơ quan điều tra tiến hành điều tra đã xác định, hoàn toàn không có dự án cải tạo Trường THCS Kim Sơn liên quan đến bị cáo Bích. Theo đó, Th. bị truy cứu trách nhiệm hình sự còn Giám đốc Phòng giao dịch Hoàng Quốc Việt bị đề nghị xử lý hành chính. Tổng cộng, trong khoảng thời gian từ 27/10/2010 – 13/12/2011, vợ chồng Hưng được xác định đã lừa đảo chiếm đoạt của 8 cá nhân và tổ chức với số tiền lên đến hơn 50 tỷ đồng.
Trả giá
Tại phiên tòa sơ thẩm, vợ chồng Hưng đều kêu oan khi cho rằng mình chỉ bán nhà cho một người, còn đối với những người khác thì thủ tục chuyển nhượng chỉ là hình thức để vay nợ. Đối với bị cáo Bích, dù ký tên vào tất cả giấy tờ, hợp đồng mua bán và thế chấp nhưng khi được hỏi đã phủ nhận tất cả và biện minh rằng do phận làm vợ, hiểu biết ít nên không có sự lựa chọn khác.
Còn đối với các bị hại, khi có mặt tại phiên tòa đều khẳng định đã cho vợ chồng Hưng vay tiền mặt và đều ra phường làm thủ tục chuyển nhượng. Đồng thời, họ cũng khẳng định không biết nhà và xe đã bị vợ chồng Hưng bán rồi thế chấp cho nhiều người.
Quá trình diễn ra phiên tòa, căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án và các tình tiết liên quan, HĐXX cho rằng, có đủ căn cứ để khẳng định vợ chồng Hưng đã sử dụng các bất động sản để lừa hàng chục người với số tiền hơn 50 tỷ đồng. Trong vụ án này, bị cáo Trần Ngọc Hưng được xác định là người chủ mưu và giữ vai trò chính nên HĐXX đã quyết định tuyên phạt mức tù chung thân và bị cáo Nguyễn Thị Bích bị tuyên phạt 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đồng thời, HĐXX cũng buộc vợ chồng Hưng phải bồi thường cho các bị hại số tiền gần 47 tỷ đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần