Cải tạo hồ Hà Nội: Giải pháp cứu những “lá phổi xanh”

Vân Hằng (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua dư luận đang nóng lên với đề xuất "lấp 1ha, trả 1ha" hồ Thành Công của một DN Hà Nội.

Nhiều phản biện không liên quan đến quy hoạch, hệ sinh thái đã được người dân và giới chuyên môn mổ xẻ, phân tích. Ở góc nhìn bền vững, giải pháp nào bảo vệ hồ chống bị xâm lấn trở thành một vấn đề đáng lưu tâm.

Hồ Thành Công đã được kè xung quanh và đường dạo thành nơi vui chơi giải trí cho người dân. Ảnh:  Thanh Hải

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, GS.TS.KTS Nguyễn Lân – nguyên Kiến trúc sư trưởng đầu tiên của TP Hà Nội cho rằng, để phát huy giá trị phi vật thể vốn có của các hồ, cần tăng cường thiết lập các hành lang an toàn bằng kè cứng.
Thưa ông, dự án cải tạo hạ tầng kỹ thuật, làm đường kè và xây dựng tuyến đường dạo quanh hồ Tây, đã tạo chuyển biến đáng kể cho Thủ đô. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của dự án này đối với vấn đề cải thiện môi trường nói chung?
- Về hiệu quả, theo tôi có thể tóm lược ở một số vấn đề sau. Thứ nhất là giữ được diện tích của hồ Tây không bị lấn chiếm thêm. Vào thời điểm lúc bấy giờ rất nhiều hộ dân và nhà đầu tư muốn xây dựng công trình ra sát mép để công trình của họ thêm giá trị. Cho nên, nếu không làm kè và đường xung quanh thì chẳng mấy chốc hồ Tây sẽ trở thành cái ao. Vấn đề thứ 2 có đường ven hồ thì tạo ra được những dải cây xanh và vườn hoa nhỏ. Nghe ra thì tưởng giá trị nhỏ nhưng tác dụng rất lớn về mặt cảnh quan, tạo thêm chỗ vui chơi giải trí. Thứ 3 giữ được không gian hồ lớn góp phần cải thiện môi trường, không khí trong sạch, nâng cao cuộc sống của người dân. Thứ 4 bảo tồn được cảnh quan đặc trưng của Hà Nội là TP có nhiều mặt nước hồ. Đây là bản sắc văn hóa tự nhiên độc đáo của Hà Nội. Cuối cùng thu hút, hấp dẫn bạn bè quốc tế. Nói chung, việc làm kè đường quanh hồ tôn thêm vẻ đẹp của hồ, tạo nên một vùng cảnh quan hấp dẫn du khách, điều đó cũng sẽ góp phần phát triển kinh tế du lịch cho Thủ đô.
Theo ông, các dự án cải tạo sông hồ ở Hà Nội có điểm gì giống và khác biệt so với các quốc gia trên thế giới?
- Cũng như sông, hồ của Hà Nội các con sông, hồ nổi tiếng trên thế giới như hồ Ba la tôn ở Hungari, dòng Seine của Pháp, sông Matscova đều rất nên thơ. Mặt nước bao giờ cũng gắn liền với một cuộc sống êm đềm. Về điểm này chúng ta có những nét chung với các nước bạn là đã xây dựng ý tưởng khai thác cảnh quan tự nhiên quanh sông, hồ  để cải tạo môi trường, vui chơi, giải trí và phát triển du lịch.
Cái khác là ở vấn đề quản lý hiện nay của ta đang còn nhiều bất cập. Phương pháp, hệ thống hành chính để chống lấn chiếm cảnh quan, xả rác bừa bãi… chưa nghiêm minh dù có hệ thống pháp luật trong tay. Trong khi sông, hồ trên thế giới được giám sát môi trường khắt khe và phải trả phí “lợi thế cảnh quan” rất cao để góp vào nguồn thu, chi cho công tác bảo vệ môi trường. Một vấn đề nữa là dù cảnh quan tự nhiên sông nước chúng ta rất đẹp nhưng mà sự đầu tư, nhân tạo để mà làm cho hồ trong sạch, đẹp hơn thì điều kiện nước ta còn hạn chế.
Mặc dù được TP quan tâm nhưng hiện nhiều dự án cải tạo sông hồ ở Hà Nội vẫn chỉ nằm trên giấy. Theo ông, nguyên nhân của tình trạng này là gì?
- Các cơ quan chức năng đã có sự đầu tư lớn cho công tác cải tạo sông, hồ Hà Nội nhưng vấn nạn ô nhiễm và sự xuống cấp cảnh quan sông, hồ vẫn là thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý. Nguyên nhân đầu tiên theo tôi là do vấn đề kinh tế hạn chế. Ví dụ nguyên câu chuyện làm sạch mặt nước cũng đã tốn kém vô cùng. Vấn đề kỹ thuật, tay nghề chuyên môn cũng không đơn giản. Phải làm thế nào vừa kinh tế lại hiệu quả cao lại là một bài toán khó. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh là vấn đề quản lý. Thực tế tình trạng quản lý của chúng ta còn nhiều bất cập, dẫn đến việc diện tích hồ bị lấn chiếm, xả nước thải và rác thải ra hồ; đường dạo quanh hồ bị sử dụng làm nơi buôn bán.
Để hạn chế, khắc phục những khó khăn trên, cần thực hiện những giải pháp cụ thể ra sao, thưa ông?
- Việc khắc phục khó khăn không phải là vấn đề có thể giải quyết một sớm một chiều mà đòi hỏi có chiến lược dài hơi. Một số người vẫn cho rằng cải tạo sông, hồ cần bỏ ra nhiều tiền mà không thu về được đồng nào. Quan điểm này là sai lầm. Khi môi trường, cảnh quan của hồ được cải tạo, làm tăng giá trị thẩm mỹ và vật chất cho Hà Nội, tạo ra bản sắc cho đô thị, thì từ đó góp phần làm kinh tế cho đô thị thông qua việc thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Để gìn giữ và phát huy giá trị của sông, hồ phải có sự tham gia của cộng đồng và giám sát của xã hội. Chúng ta không vì tăng trưởng kinh tế mà xem nhẹ giá trị bền vững của sông, hồ. Cần tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, đặc biệt là đối với dân cư ven sông, hồ để mọi người không xả nước bẩn và rác thải xuống sông, hồ. Khi có được sự đoàn kết chung tay của cộng đồng và chính quyền cơ sở, sông, hồ không gian công cộng sẽ tránh được những hoạt động tiêu cực vì lợi ích cá nhân. Về vấn đề vốn đầu từ của nhà nước cần tìm hiểu nhiều biện pháp như kêu họi đầu tư của các DN trong và ngoài nước, tranh thủ sự hỗ trợ của người dân, sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế.
Xin cảm ơn ông!
Theo Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, tính từ năm 2010 đến nay, Hà Nội có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn, trong khi chỉ bổ sung 7 hồ mới. Đến năm 2015, các quận nội thành còn 112 hồ, giảm 10 hồ, với diện tích mặt nước là 72.540m2 so với năm 2010. Quận Đống Đa có nhiều ao hồ nhất TP (trên 30 hồ) nhưng trong 5 năm (2010 - 2015) đã san lấp mất 4 hồ, ao.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần