Cải tạo khu vực nút giao Pháp Vân: Chậm đồng bộ sẽ thiếu hiệu quả

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã có nhiều giải pháp được đưa ra để tháo gỡ ùn tắc giao thông cho nút Pháp Vân - Vành đai 3 tại cửa ngõ phía Nam Hà Nội. Nhưng các chuyên gia cho rằng, nếu không thực hiện đồng bộ sẽ khó phát huy hết hiệu quả, thậm chí đẩy ùn tắc vào sâu trong nội thành.

 Nút giao Pháp Vân - Giải Phóng. Ảnh: Công Hùng

Nhóm giải pháp lâu dài

Do các tuyến Vành đai 3, 5, 4... chưa được đầu tư khép kín nên một lượng lớn phương tiện của Hà Nội và quá cảnh vẫn lưu thông chủ yếu trên tuyến Vành đai 3. Áp lực giao thông dồn lên nút Pháp Vân - Vành đai 3 đang rất trầm trọng, tình trạng UTGT thường xuyên xảy ra, nhất là vào các dịp lễ, Tết.
Nhiều chuyên gia cho rằng, những giải pháp dài hạn, giảm áp lực cho cửa ngõ phía Nam Hà Nội từ xa như dự án đường 70; đường Vành đai 2,5... sẽ có thể kéo dài nhiều năm. Nếu chỉ có nút giao được cải thiện mà các hướng ra - vào TP không nâng cao được khả năng lưu thông thì cũng như “đầu xuôi mà đuôi không lọt”, thậm chí sẽ đẩy UTGT vào sâu hơn trong nội thành.
Để cải thiện khả năng lưu thông qua nút, giảm thiểu ách tắc, Hà Nội đã đưa ra 2 nhóm giải pháp: Lâu dài và trước mắt. Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, về lâu dài, cần hoàn thiện 6 công trình để tổ chức lại các hướng lưu thông qua khu vực nút giao. Đáng chú ý có dự án nâng cấp đường 70 (Phan Trọng Tuệ), ưu tiên đoạn tuyến kết nối thẳng từ nút giao Văn Điển đến cao tốc Pháp Vân. Cùng với đó là dự án bổ sung điểm kết nối từ QL1 cũ vào cao tốc Pháp Vân tại khu vực Bệnh viện Nội tiết T.Ư (cơ sở 2). Khi hoàn thành, đưa vào khai thác, 2 dự án này sẽ góp phần giảm đáng kể lượng phương tiện lưu thông từ hướng QL1 cũ qua nút giao Pháp Vân - Vành đai 3.

Tiệm cận nút giao hơn, có dự án đường Vành đai 2,5, với các đoạn tuyến: Đoạn Vành đai 3 - Tân Mai (Hoàng Mai); đoạn từ phía Tây khu đô thị mới Thịnh Liệt đến Tân Mai. Hai đoạn tuyến này sẽ mở hướng lưu thông thẳng hàng qua nút giao, vào cao tốc Pháp Vân. 2 dự án quan trọng khác cũng cần sớm được triển khai là: Đoạn tuyến Vành đai 3 dưới thấp, đi bằng cầu qua hồ Linh Đàm; nhánh rẽ cho xe ô tô con, đi tránh nút giao Pháp Vân - Vành đai 3 dưới thấp, kết nối lên Vành đai 3 trên cao. Đặc biệt, đoạn tuyến dài 200m của đường Nguyễn Hữu Thọ, kết nối với đường Giải Phóng đã lỡ hẹn... 20 năm cũng cần được giải quyết dứt điểm để nâng cao khả năng giải phóng áp lực giao thông cho khu vực.
  Ảnh: Công Hùng
Phải thực hiện đồng bộ

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho biết, trước mắt Sở đã đề xuất và được TP phê duyệt cho thực hiện một số giải pháp cấp bách nhằm giảm thiểu UTGT cho nút Pháp Vân - Vành đai 3. Trong đó có hạng mục cải tạo nút giao Hoàng Liệt - Giải Phóng, mở một lối lưu thông ven hồ Linh Đàm, thẳng qua đường sắt, liên thông đường Vành đai 3 dưới thấp đến tận nút giao. Cũng trên trục này, bổ sung một nhánh rẽ từ Vành đai 3 dưới thấp vào đường Pháp Vân để giảm lưu lượng phương tiện dồn vào nút. Ngoài ra, dải phân cách đường Vành đai 3 dưới thấp, đoạn từ Giải Phóng - Pháp Vân cũng sẽ được thu hẹp, mở rộng thêm không gian lưu thông và xem xét bố trí điểm quay đầu.

Thạc sĩ giao thông đô thị Nguyễn Đình Chiển nhận định, cả 2 nhóm giải pháp của Sở GTVT đưa ra đều rất hợp lý. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, nếu thiếu đồng bộ sẽ khó phát huy hết hiệu quả. Ông Chiển phân tích, như việc cải tạo nút giao Hoàng Liệt - Giải Phóng, mở hướng lưu thông về phía Pháp Vân, nếu đoạn đường nhánh rẽ ra cao tốc chậm được bổ sung sẽ làm gia tăng ùn ứ cho nút giao chính.
Phía ngược lại, nếu đoạn tuyến Vành đai 3 dưới thấp, đi bằng cầu qua Hồ Linh Đàm chưa xong mà các phương tiện dồn cả vào khu vực bán đảo để đi ra Hoàng Liệt sẽ dẫn đến ùn tắc ngay từ khu vực Hoàng Liệt, Linh Đường. “Đường Nguyễn Hữu Thọ hiện nay còn tồn tại nút cổ chai dài 200m, nếu không hoàn thành nốt thì nhiều phương tiện dù qua được nút giao Pháp Vân - Vành đai 3 vẫn có thể tắc cứng ở đây” - ông Chiển chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần