Cải tạo tập thể cũ: Nóng việc giải quyết phần lấn chiếm do “lịch sử” để lại

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều căn hộ tập thể cũ người dân đã sống ổn định có diện tích rất nhỏ, chỉ từ 25m2 - 30m2, nhưng cơi nới có khi đến 40 - 50m2 và khi cải tạo tập thể cũ, nếu tái định cư tại chỗ sẽ không có căn hộ nào diện tích tương đương để đền bù. Ngoài ra, việc đàm phán với các hộ dân liên quan đến diện tích lấn chiếm này sẽ có rất nhiều bất cập.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định thành lập Tổ chuyên gia để nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù về hoàn thiện Đề án về cải tạo, xây dựng mới các nhà chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội.
Ngay lập tức, việc này đã gây xôn xao các khu dân cư tập thể cũ. Còn nhớ cách đây 10 năm, thị trường căn hộ tập thể cũ đã lập đỉnh và tăng 25% so với hiện nay. Một căn hộ chỉ khoảng 25m2 có thể giá đến 1.6 tỷ đồng, bởi người dân mong muốn sẽ “trúng số” khi các nhà đầu tư cải tạo thành công một số khu tập thể cũ, khiến nơi đây “lột xác” thành khu dân cư hiện đại như khu D2 Giảng Võ, Tập thể tại Kim Liên, Phạm Ngọc Thạch. Tuy nhiên, để làm được một D2 Giảng Võ thứ 2 sẽ có rất nhiều chuyện cần giải quyết.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, việc cải tạo tập thể cũ sẽ gỡ được nút thắt, nếu áp dụng được cơ chế đồng thuận cộng đồng trên 70% cư dân, tuy nhiên việc này chưa được thông qua. Thậm chí, nếu cơ chế đồng thuận được thông qua, việc được 70% cư dân khu dân cư đồng thuận không phải dễ dàng, chủ yếu là do hai bên khó thống nhất quanh chuyện đền bù.
 Tình trạng lấn chiếm đằng sau khu Tập thể Vĩnh Hồ - Hà Nội
 Mới đây, nhiều cư dân tại khu Tập thể Liễu Giai đã đồng loạt phản đối gay gắt việc chủ đầu tư thực hiện thăm dò địa chất do chưa thỏa đáng về chính sách đền bù. Chủ đầu tư muốn đền bù theo diện tích sổ hồng, nhưng các hộ dân muốn đền bù theo diện tích sử dụng và cho rằng việc này là do “lịch sử” để lại.
Theo anh Nguyễn Văn Vinh - một nhà đầu tư đang thực hiện cải tạo tập thể cũ, việc đàm phán với người dân rất khó khăn trong khi yêu cầu về quyền lợi của người dân thường không có điểm dừng: “Thỏa thuận đền bù là 1.0, 1.5 hay 2.0 là một chuyện, nhưng tính cả các chi phí khác như chi phí tạm cư, giải phóng mặt bằng thì nhà đầu tư sẽ tốn rất nhiều tâm sức. Một số nơi khống chế chiều cao thì sẽ không có nhà đầu tư nào mặn mà do không nhìn thấy lãi. Để giải quyết việc này thì cần có cơ chế và hỗ trợ tốt hơn từ phía chính quyền”.
Việc lấn chiếm tại các khu tập thể cũ rất phức tạp, gồm lấn chiếm kiên cố, lấn chiếm theo dạng khu chuồng cọp, lấn chiếm trước sau, đến lúc chính quyền địa phương xử lý thì lại vướng vấn đề “lấn chiếm theo lịch sử” và thẩm quyền xử phạt.
Để các khu dân dân cư có sự ổn định, đoàn kết trong việc sử dụng không gian chung, thì chính quyền địa phương như bí thư chi bộ cư dân, tổ trưởng phải gương mẫu và có tiếng nói, nhưng nhiều khi rơi vào tình huống là chính người lên tiếng về sai phạm cũng sai phạm, có dấu hiệu lợi ích nhóm, khi đó, cơ sở sẽ rất phức tạp.
Một góc khu tập thể B1 - Vĩnh Hồ, có thể thấy phần diện tích chênh lệch khá lớn của các hộ tầng 1 so với tầng 2
Chẳng hạn, chị Nguyễn Hoàng Linh, một người dân tại Tập thể Vĩnh Hồ, Hà Nội cho biết, mua căn hộ và chuyển về Tập thể Vĩnh Hồ ổn định trên 3 năm nay, chị bỗng nhiên bị hàng xóm làm đơn, yêu cầu cắt bỏ khung bảo vệ cửa kính phía sau nhà chị, đơn có chữ ký của tổ dân phố. Tuy nhiên, chính người xóm làm đơn đã đã lấn hết phần sau diện tích căn hộ tập thể của họ và tiếp tục trổ cửa, mở sang bên cạnh để lấn sang phần đằng sau căn hộ nhà chị. Ngoài ra, chính bí thư chi bộ khu dân cư, người tham gia vào câu chuyện nói trên lại có căn hộ lấn chiếm trước và bên phải tại tầng 1 tập thể Vĩnh Hồ.
Theo chị Linh, cơ sự xảy ra việc này cũng do Hà Nội nóng lên việc cải tạo chung cư cũ và những người hàng xóm lấn chiếm không gian sau nhà họ chưa thỏa mãn, muốn lấn chiếm ra sau nhà chị. Chị cho rằng, nếu cơ quan chính quyền muốn xử lý vi phạm, phải căn cứ trên giấy tờ, lịch sử và xử lý đồng bộ vi phạm, theo tuần tự, chứ không thể căn cứ vào sự quen thân.
Trao đổi với một lãnh đạo Phường, người này cho hay, việc xâm lấn tại khu tập thể thì rất phức tạp, có những người đã xây dựng ở ổn định, không ảnh hưởng đến ai, có những người ngấm ngầm lấn chiếm, nếu phát hiện ra họ đang xây dựng thì có thể lập biên bản yêu cầu ngừng xây dựng, tháo gỡ, nhưng nếu phường phát hiện sau khi việc xây dựng sau khi đã hoàn thành thì rất khó. Do, gần như hộ nào tại tập thể cũ cũng lấn chiếm không ít thì nhiều, việc lập hiện trạng chung chưa được thực hiện, còn người dân luôn cho rằng diện tích của họ là thuộc về lịch sử. Hiện tại, về mặt xây dựng tại địa phương thì phường luôn đặt trong tình trạng giám sát, khuyến khích các tổ dân phố, các cụm dân cư lên tiếng về vi phạm để kịp thời đình chỉ, xử lý, tránh xảy ra các diễn biến xấu.
Nhiều khu tập thể tại nội đô Hà Nội đã cũ nát, việc quy hoạch, cải tạo tập thể là nên làm và phải làm. Hiện cũng đã có gần 20 doanh nghiệp, trong đó phải kể đến những "ông lớn" như Tập đoàn SunGroup, Vingroup, FLC, tập đoàn T&T... muốn tham gia cải tạo các khu tập thể cũ tại Hà Nội nhưng để các khu dân cư mới, khang trang đẹp đẽ được hình thành, sẽ có rất nhiều việc phải giải quyết giữa cư dân, chủ đầu tư và TP Hà Nội.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần