Cải thiện chất lượng không khí Hà Nội: Thay đổi từ những thói quen

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều ngày trở lại đây, chất lượng không khí (CLKK) Hà Nội được cải thiện theo chiều hướng tốt hơn. Sự chuyến biến này không chỉ đến từ các hoạt động giao thông, mà đến từ chính những thay đổi nhỏ của mỗi con người.

 Hàng cây xanh được trồng tạo cảnh quan, chất lượng không khí trên phố Đào Duy Anh. Ảnh: Thanh Hải
Chuyển biến về nhận thức
Theo đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) Hà Nội, sau lệnh xóa bỏ giãn cách xã hội của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã “lội ngược dòng” ấn tượng khi ghi nhận chỉ số AQI duy trì ở mức tốt và trung bình trong 2 tuần trở lại đây. Người dân quay lại với cuộc sống thường nhật, phương tiện giao thông từ đó cũng dày đặc hơn nhưng không làm cho CLKK xấu đi. Cụ thể, từ ngày 24 – 27/4, chỉ số AQI đều ở mức tốt; từ ngày 1/5 - 13/5, CLKK liên tục duy trì ở mức trung bình, chỉ số AQI dưới 100, không có ngày nào ở mức xấu. Duy chỉ có ngày 10/5 là xuất hiện 3/10 khu vực ở mức kém do ảnh hưởng của thời tiết, vào cuối tuần có mưa khiến các chất ô nhiễm không được khuếch tán.
Sự chuyển biến này không chỉ đến từ hoạt động giao thông mà đến từ chính những thay đổi nhỏ của mỗi cá nhân trong xã hội. Người dân đã dần thay đổi nhận thức, cùng chính quyền chung tay để bảo vệ môi trường sống. Anh Đào Huy Cường (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Là tài xế taxi, trước đây tôi hay sử dụng nước đóng chai, túi nilon để trên xe cho khách dùng khi cần. Nhưng giờ tôi đã sử dụng chai thủy tinh, dùng túi giấy thay bằng túi nilon. Tôi hiểu rằng các đồ từ nhựa nếu đốt sau khi sử dụng sẽ rất độc hại, gây ô nhiễm không khí”.
Giảm thiểu đun nấu bằng bếp than tổ ong là một trong những tín hiệu khả quan làm giảm ô nhiễm không khí nội đô. Trưởng phòng TN&MT quận Cầu Giấy Hoàng Trung Kiên cho biết: “Với sự tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động, ý thức người dân đã được nâng lên. Đến nay, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, một số gia đình sống trong khu tập thể cũ đã dần thay thế bếp than bằng các loại bếp điện, bếp ga. Đến hết năm 2020, quận Cầu Giấy sẽ quyết tâm xóa bỏ hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong đối với các hộ gia đình, cơ sở sản xuất than tổ ong”.
Thay đổi lối sống
Đáng chú ý, dọc đê Hữu Hồng thuộc địa phận các xã Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc (huyện Thanh Trì), xã Chương Dương (huyện Thường Tín) đã hạn chế rất nhiều tình trạng người dân tự ý đốt rác tại triền đê. Hiện nay, tại các xã, rác đã được thu gom và xử lý theo quy định. Người dân đã tạo được thói quen đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Đối với các trường hợp vi phạm, sẽ được chính quyền xã nhắc nhở, phê bình và xử phạt nếu tái diễn nhiều lần.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho hay: "Để cải thiện CLKK, vấn đề cốt lõi vẫn là nhận thức, thay đổi thói quen hàng ngày của mỗi người. Nguồn thải ít đi thì không khí sẽ sạch hơn, trong lành hơn. Thế nên, mỗi người dân ý thức hơn việc bảo dưỡng định kỳ xe sẽ giảm được lượng khí thải ra môi trường, không đốt chất thải nông nghiệp, không đốt than tổ ong, rơm rạ… tất cả những việc làm như vậy sẽ đem lại lợi ích rất lớn nhằm thay đổi CLKK. Với tình hình không khí được cải thiện trong thời gian gần đây, nhắc nhở chúng ta rằng cần thay đổi lối sống theo cách bền vững, thân thiện với môi trường”.
Mong rằng, ý thức bảo vệ môi trường của người dân ngày một thay đổi tích cực hơn. Để từ đó, CLKK dần được cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng sống tại các đô thị nói chung, TP Hà Nội nói riêng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần