Cải thiện chất lượng không khí: Quyết liệt giảm thiểu phương tiện cá nhân

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dõi chỉ số chất lượng không khí (AQI) những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán trên địa bàn Hà Nội, tức là ở các thời điểm đông xe và vắng xe tham gia giao thông, các chuyên gia cho rằng, cần quyết liệt hơn nữa trong việc giảm thiểu phương tiện cá nhân, hạn chế xe quá đát trong khu vực nội đô.

Chỉ số AQI có phụ thuộc vào lưu lượng giao thông 
Qua theo dõi và tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị từ kết quả quan trắc của Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) và thời tiết thực tế, mặc dù gần một tháng nay, trời thường xuyên có sương mù, giữ khói bụi lơ lửng ở lớp không khí gần mặt đất nhưng không có nghĩa ngày nào sương dày thì ô nhiễm không khí cũng nghiêm trọng. Có khi, cùng là ngày sương mù dày đặc nhưng chỉ số chất lượng không khí (CLKK) lại ở mức khác nhau. Điểm khác biệt tạo nên sự khác nhau về chỉ số AQI chính là lưu lượng tham gia giao thông.
 Đường phố Hà Nội phủ lớp sương bụi do ô nhiễm không khí những ngày qua. Ảnh: Phạm Hùng
Ngày có chỉ số AQI lên mức 222 tức là ở mức rất xấu chính là ngày cận Tết (22 tháng Chạp) xe cộ đi lại đông đúc, mọi người đều ra đường để mua sắm, vận chuyển hàng hóa. Còn ngày 13 tháng Giêng - sau Tết, chỉ số này đã giảm xuống một nửa (AQI -110) nhờ lưu lượng giao thông cũng giảm 40%. Sau Tết cũng có đến 3 ngày CLKK ở mức tốt (4/2, 5/2, 9/2), trong khi trước Tết không có ngày nào.
Chia sẻ về thực trạng CLKK, nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân CLKK xấu không chỉ do sương mù dày đặc, độ ẩm cao mà còn bởi sự phát triển nhanh của các đô thị, khu công nghiệp quanh Hà Nội và lưu lượng xe cá nhân ngày càng nhiều, dẫn đến nguồn khí thải càng lớn.
Dễ nhận thấy, sau kỳ nghỉ Tết, học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn Thủ đô tiếp tục được nghỉ học để phòng tránh dịch Covid – 19, người dân cũng hạn chế ra ngoài, dẫn đến lưu lượng giao thông giảm đáng kể, đường thông hè thoáng khiến môi trường dễ chịu hơn rất nhiều. Các ngày từ 15 - 18/2 chỉ số CLKK trên địa bàn TP đa phần ở mức trung bình, riêng ngày 17/2 có chỉ số AQI tốt.
Kiểm soát nguồn phát thải
Theo ông Phạm Hải Dương – chuyên viên Trung tâm Quản lý điều hành dữ liệu quan trắc môi trường Hà Nội, hiện nay, đối với các trạm trong cùng một khu vực thì các trạm đặt tại khu vực có mật độ giao thông cao như Minh Khai, Phạm Văn Đồng… cho kết quả chỉ số AQI cao hơn rất nhiều so với các trạm đặt trong khu dân cư (Tân Mai, Kim Liên), và chỉ số PM 2.5 thường cho chỉ số cao nhất.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) Hoàng Dương Tùng nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí tại Hà Nội là do phương tiện giao thông. Đáng nói, nhiều trong số đó đã quá niên hạn sử dụng, phát tán khí thải gây ảnh hưởng xấu đến CLKK. Dù Hà Nội chưa có những thống kê cụ thể nhưng nồng độ bụi mịn PM2.5 từ các phương tiện giao thông rất là cao.
Ông Hoàng Duơng Tùng cũng cho rằng, cần đưa ra nhiều biện pháp rốt ráo, quyết liệt hơn nữa việc rà soát, đăng kiểm lại toàn bộ xe máy trên địa bàn TP Hà Nội nhằm kiểm soát nguồn phát tán khí thải, hạn chế ô nhiễm bụi. "Nhiều TP trên thế giới đã áp dụng biện pháp này và đạt hiệu quả tốt, nếu qua kiểm tra phát hiện nguồn khí thải vượt ngưỡng cho phép thì chủ xe phải sửa chữa. Xe máy nào đạt tiêu chuẩn mới được lưu thông trong nội thành” - ông Tùng khiến nghị.
Năm 2019 Hà Nội có gần khoảng 6,9 triệu xe ô tô, xe máy đăng ký và hơn 1 triệu xe ngoại tỉnh. Tần suất sử dụng xe cũng tăng lên do tần suất của xe ôm, xe taxi công nghệ ngày càng được ưa chuộng, điều này lại tỷ lệ thuận là ô nhiễm nghiêm trọng hơn. Bằng chứng là suốt 2 năm 2017 và 2018 không có ngày nào CLKK ở mức xấu. Năm 2019, nhiều ngày ở mức xấu, riêng  khu vực trạm Minh Khai có tới 52 ngày, thậm chí 4 ngày cảnh báo tím ở ngưỡng rất xấu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần