Cải thiện đời sống nhờ nghề phụ

Kim Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tận dụng thời gian rảnh rỗi làm thêm nghề mây tre đan (MTĐ), người dân thôn Thái Bạt, xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì đã có cơ hội cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập.

 Người dân thôn Thái Bạt làm nghề mây tre đan tại nhà.

Gia đình chị Đỗ Thị Tuyết Lan, thôn Thái Bạt 2, xã Tòng Bạt là một trong những hộ đầu tiên làm nghề MTĐ ở địa phương. Chị Lan cho biết: “Trước đây, tôi chủ yếu là làm ruộng, kinh tế gia đình khó khăn. Nhưng từ khi có nghề MTĐ, cuộc sống được cải thiện hơn, trong nhà cũng mua sắm thêm được nhiều đồ dùng tiện nghi mới”.

Làm nghề MTĐ được 3 năm nay, chị Phạm Thị Hiền ở thôn Thái Bạt 3 giãi bày: Vợ chồng tôi thường tận dụng thời gian rảnh rỗi làm thêm nghề này, mỗi tháng trung bình cũng có thu nhập hơn 3 triệu đồng, đủ trang trải tiền học cho con, tiền cỗ bàn… So với ở TP thì khoản tiền ấy chẳng đáng là bao, nhưng ở vùng đồi núi này thì nghề MTĐ là cứu cánh cho nhiều gia đình. Hơn nữa, công việc này khá đơn giản, chỉ cần học khoảng 2 tuần sau đó nhận nguyên liệu từ HTX về nhà làm, vừa tranh thủ làm được việc nhà, vừa tận dụng khoảng thời gian rảnh rỗi kiếm thêm thu nhập.

Nghề MTĐ đã xuất hiện ở xã Thái Bạt khoảng 10 năm nay. Sản phẩm hiện chủ yếu hiện nay là chao đèn, giỏ, khay… Đây là nghề do HTX Nông nghiệp Thái Bạt đưa về giúp người dân có thêm việc làm những lúc nông nhàn. Theo đó, HTX sẽ cung cấp nguyên liệu, mẫu mã và nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Người dân nhận nguyên liệu và mang về nhà làm theo kiểu dáng, mẫu mã quy định. Sản phẩm làm xong đúng theo tiêu chuẩn được HTX thu mua rồi thanh toán luôn, cứ trung bình 4 ngày HTX lại nhập hàng và thanh toán một lần.

Anh Phan Văn Thỏa - Giám đốc HTX Nông nghiệp Thái Bạt cho biết thêm: Từ ngày có nghề MTĐ, đời sống của người dân thôn Thái Bạt đã được cải thiện đáng kể. Hiện toàn thôn có gần 100 hộ tham gia làm nghề phụ này, trung bình mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 280.000 sản phẩm, đem về khoảng 1 tỷ đồng. Tuy nghề MTĐ không phải nghề có thể làm giàu được nhưng giúp người dân có thu nhập ổn định, góp phần cải thiện đời sống.

Hiện nay, nhu cầu của thị trường đối với các sản phẩm MTĐ vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, hiện tại HTX vẫn phải nhận gia công hàng qua khâu trung gian, vì vậy lợi nhuận không cao. Trong thời gian tới, để nghề này phát triển bền vững, đem lại mức thu nhập kinh tế cao hơn, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện về nguồn vốn ưu đãi và quy hoạch quỹ đất để HTX xây dựng nhà xưởng sơ chế hoàn thiện sản phẩm, có điều kiện xuất khẩu hàng trực tiếp. Bên cạnh đó, người dân cũng mong mỏi được hỗ trợ mở các lớp đào tạo, nhân cấy nghề.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần