Cải thiện môi trường kinh doanh: Chưa nhất quán trong nỗ lực cải cách

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam đang chững lại so với các nước trong khu vực và đòi hỏi phải được tăng tốc, có những cải thiện thực chất hơn, mạnh mẽ hơn.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng nêu quan điểm tại Hội thảo Môi trường kinh doanh 2016 - 2019 qua xếp hạng Doing Business, kết quả và một số gợi ý chính sách tổ chức tại Hà Nội sáng 28/10.
Cải thiện so với ta nhưng tụt so với thế giới
Bảng xếp hạng Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Việt Nam đạt 69,8 điểm trên 100, cao hơn năm ngoái (68,6), nhưng lại tụt một bậc xuống thứ 70/190 nền kinh tế được khảo sát. Trong 2 năm gần đây, điểm số tiếp tục được cải thiện nhưng đã chậm lại. Theo ông Nguyễn Đình Cung, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất nỗ lực cải cách và quyết liệt thúc đẩy cải cách, nhưng thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn chưa cải thiện nhiều dù điểm số có tăng.
 Danh nghiệp làm thủ tục tại Sở Tài chính Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Trong 10 chỉ số được đánh giá, Việt Nam có 5 chỉ số tăng điểm nhưng có tới 6 chỉ số tụt hạng. Trong đó, chỉ số khởi sự kinh doanh tuy tăng điểm (nhờ giảm một ngày thực hiện thủ tục), nhưng giảm 11 bậc; Chỉ số cấp phép xây dựng tăng điểm nhẹ bởi tỷ lệ chi phí chính thức/giá trị công trình giảm nhưng lại giảm 4 bậc. 4 chỉ số còn lại giảm bậc gồm: Đăng ký tài sản (giảm 4 bậc); Bảo vệ nhà đầu tư (giảm 8 bậc); Giao dịch thương mại qua biên giới (giảm 4 bậc); Giải quyết tranh chấp (giảm 6 bậc).
Đồng quan điểm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư Phan Đức Hiếu đặt trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, cải thiện môi trường kinh doanh phải thể hiện ở sự tăng hạng. “Tăng điểm là ghi nhận cải cách, nhưng cải cách thành công phải thể hiện bằng việc tăng hạng đánh giá. Việc tăng hạng không chỉ thể hiện chúng ta vượt qua chính mình mà còn thể hiện nỗ lực rất lớn so với các nước khác khi họ cũng có sự cải thiện. Vì thế, tăng hạng là quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng trở nên gay gắt” - ông Hiếu phân tích.
Nhiều thủ tục hành chính vẫn còn phiền hà
Từ góc nhìn của DN, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn cho biết, theo đánh giá chung của DN, những lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất là đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội. Hai khó khăn chính với DN được kể ra gồm: Khó tiếp cận thông tin đất đai và thiếu quỹ đất sạch.
Đặc biệt, theo ông Tuấn, niềm tin của DN vào hệ thống tư pháp còn thấp. Cải cách tư pháp ở địa phương còn diễn ra chậm chạp. Kết quả khảo sát cho thấy có chưa tới 50% DN cân nhắc sử dụng tòa án để giải quyết các tranh chấp.
Ông Nguyễn Đình Cung khẳng định, hai từ khóa là "giảm chi phí, giảm rủi ro" và phía sau đó là giảm rào cản, tăng mức an toàn trong hoạt động kinh doanh. Nhưng nhìn vào hoạt động xây dựng luật pháp thì lại có tình trạng một cải cách nhưng lại có hai ba điểm không cải cách khác kéo lại. Ví dụ, Bộ luật Lao động sửa đổi vẫn đang có những tranh cãi về việc tăng giờ làm thêm.
"Việc tăng giờ làm thêm sẽ giúp thị trường lao động linh hoạt hơn, người lao động vẫn có thể tự bảo vệ mình với sự hỗ trợ của Nhà nước” - TS Nguyễn Đình Cung dẫn dụ và cho rằng, điều này cho thấy chúng ta vẫn chưa nhất quán trong các nỗ lực cải cách, các nỗ lực cải cách vẫn “trồi sụt” ở các lĩnh vực. Theo ông Cung, cách tiếp cận của Luật Lao động về vấn đề giờ làm thêm không còn phù hợp với xu thế, thời đại ngày nay.
“Nếu như, giờ làm giảm, giảm cả giờ làm thêm thì chỉ bảo vệ những người lao động lười biếng và khuyến khích sự lười biếng nhiều hơn chứ không tăng phúc lợi cho người dân và người lao động”- ông Nguyễn Đình Cung nói.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT Đỗ Cao Bảo cho rằng, làm thêm giờ là quyền của người lao động chứ không phải nghĩa vụ. Có nhiều người thích làm thêm, ngoài ra còn có những người muốn làm thêm vì nhu cầu kinh tế. “Nếu Nhà nước muốn bảo vệ cho những người không muốn làm thêm giờ thì nên tìm cách khác chứ không nên quy định cứng như trong dự luật” - ông Bảo bày tỏ.

"Việt Nam phải tránh tình trạng ta cải thiện so với ta nhưng tụt lại so với thế giới. Như vậy sẽ thiếu động lực cải cách, thiếu sự kiểm soát thực chất để có thể thay đổi." - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư Nguyễn Đình Cung