Cải thiện thứ hạng đại học đáp ứng thị trường lao động

Hồng Thủy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xếp hạng trường đại học (ĐH) là hướng để khẳng định chất lượng đào tạo. Vì thế, tại hội thảo Cải thiện thứ hạng ĐH Việt Nam trên bảng xếp hạng quốc tế ngày 21/6, các chuyên gia đến từ ĐH Giáo dục Hong Kong chia sẻ việc mở rộng kiến thức cũng như hợp tác công tư.

 
Việt Nam có 235 trường ĐH, nhưng chất lượng đào tạo nói chung vẫn thấp. Cả nước mới có 2 ĐH Quốc gia nằm trong nhóm 1.000 ĐH tốt nhất thế giới và 4 ĐH lọt top 350 trường tốt nhất châu Á. Vì thế, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết: “Chúng tôi rất muốn có thêm các trường ĐH Việt Nam trên bảng xếp hạng trường ĐH tốt nhất châu Á và thế giới. Muốn vậy phải nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, tuy nhiên kết quả nghiên cứu đang rất thấp so với các trường châu Á, chưa nói đến thế giới. Chúng tôi đang cố gắng thay đổi Luật Giáo dục ĐH, đã đệ trình lên Quốc hội và hy vọng cuối năm nay sẽ được thông qua”.
Để cải thiện thứ hạng xếp hạng trường ĐH, GS Cheung Yan Leung Stephen (ĐH Giáo dục Hong Kong) nhấn mạnh đến mô hình hội đồng trường góp phần giúp ngôi trường 20 năm tuổi, nhưng chỉ số xếp hạng ổn định và tăng dần trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2018, ĐH Giáo dục Hong Kong đứng ở vị trí thứ 9 trường ĐH tốt nhất thế giới và số 2 châu Á.
Trả lời câu hỏi của một đại diện trường ĐH Việt Nam về việc đào tạo đa ngành, khách hàng đa dạng để xây dựng chương trình phù hợp, ông Cheung cho biết: Khi xây dựng chương trình, các trường nên tham vấn ý kiến của những bên liên quan đến ngành nghề đào tạo. Hiện nay, có nhiều trường ĐH của Việt Nam thành lập hội đồng trường.
Về danh nghĩa, Chủ tịch hội đồng trường có vị thế hơn hẳn Hiệu trưởng, quyết định chiến lược phát triển của trường, nhưng thực tế thì ngược lại bởi mỗi năm chỉ họp 2 lần, trong khi Hiệu trưởng làm quản lý, điều hành hàng ngày. Về vấn đề này, ông Cheung chia sẻ mô hình hội đồng trường của ĐH Giáo dục Hong Kong có Chủ tịch do Chính phủ phê duyệt. Thành viên hội đồng trường đến từ các bộ, mỗi năm họp 4 lần, tuy nhiên, thường xuyên được gửi thông tin về hoạt động của trường, nên có sự phối hợp rất chặt chẽ với Hiệu trưởng.

Trước những khó khăn về nguồn vốn của các trường ĐH Việt Nam, trong khi ngân sách Nhà nước có hạn, các chuyên gia đến từ ĐH Giáo dục Hong Kong khuyến cáo tìm nguồn đóng góp từ cộng đồng, kể cả tư nhân. Các trường ĐH Việt Nam cũng nên có DN, công ty riêng hoặc hợp tác với tư nhân để huy động sự đóng góp. Hợp tác công – tư để phát triển giáo dục chính là chiến lược trong tương lai mà các trường ĐH nên hướng tới.