Cảm động tình thầy trò

Vân Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thể thao không chỉ đơn thuần là nước mắt, nụ cười. Đằng sau mỗi tấm huy chương lấp lánh, còn là câu chuyện của ý chí, nghị lực, những câu chuyện cảm động của tình thầy trò.

Niềm vui của Nguyễn Thị Huyền
Giọt nước mắt…
Olympic 2016, từ ứng cử viên sáng giá nhất của đoàn thể thao Việt Nam, Thạch Kim Tuấn bỗng “rơi xuống hố”. Khi bước vào thi đấu ở hạng cân 56kg môn Cử tạ, Tuấn xoa tay vào bột nhưng miệng lại tủm tỉm cười, thầy Trí ở dưới như ngồi trên đống lửa khi thấy trò mình xuất hiện trạng thái tâm lý. Và cái kết là Tuấn thất bại hoàn toàn! Cả đêm hôm ấy, Tuấn ngồi lặng lẽ trong phòng, còn thầy Trí như không ngủ, sáng sớm ra hành lang hút thuốc và ôm mặt khóc như đứa trẻ.
Nhìn giọt nước mắt của người đàn ông với gương mặt khắc khổ, mới biết thầy Trí đau lắm. Mồ côi mẹ, từ Bình Thuận, Thạch Kim Tuấn theo chị lên TP Hồ Chí Minh tìm kế sinh nhai rồi may mắn được thầy Huỳnh Hữu Trí phát hiện, cuộc đời Tuấn thay đổi.

Sau cú sốc ở Olympic 2016, cả hai thầy trò tính bỏ cuộc và Tuấn quyết định cưới vợ. Sau khi lập gia đình, sự chăm sóc, động viên của vợ cùng sự nhẫn nại của thầy Trí đã giúp Tuấn trở lại và thăng hoa trong một năm thi đấu với nhiều thành công: Trở thành VĐV đầu tiên của Cử tạ Việt Nam giành 3 HCV thế giới. Ngoài ra anh còn giành thêm 1 HCV SEA Games. Giọt nước mắt của thầy Trí hơn một năm về trước đã biến thành nụ cười rạng rỡ .

Nụ cười hạnh phúc

Trên sân vận động Bukit Jalil ở Kuala Lumpur (Malaysia), khi giành chiếc HCV đầu tiên ở nội dung 400m nữ, dù thở dốc, không nói lên lời, nhưng ngay lập tức Nguyễn Thị Huyền chạy khắp sân tìm thầy Lợi. Vừa chạy, Huyền vừa khóc gọi “Thầy ơi, thầy đâu rồi”. Thấy thầy Lợi trên khán đài chạy xuống, Huyền vội giơ hai tay ôm lấy người thầy của mình qua song sắt ngăn cách giữa khán đài và khu vực thi đấu. Thầy Lợi cười nhưng mắt ngân ngấn nước!
Thạch Kim Tuấn và HLV
Hai năm trước, sau khi giành 2 suất dự Olympic tại SEA Games 28, thầy trò Huyền bỗng nổi tiếng. Những ngay sau đó, cùng với việc lên truyền hình nhiều hơn, mặc váy lụa nhiều hơn, cô bỗng xuống dốc không phanh. Cô bị cắt khỏi danh sách VĐV được đầu tư đặc biệt trong năm 2017.

“Cú ra đòn” này của ngành thể thao nhằm giúp Huyền bừng tỉnh, nhưng đó cũng là lúc Huyền quyết định lấy chồng. Ai cũng nghĩ điều đó đồng nghĩa với việc sớm kết thúc sự nghiệp của Huyền. Nhưng chị đã trở lại bằng sự động viên của người chồng cùng công tác trong ngành. Không còn được săn đón như trước, hai thầy trò âm thầm tập luyện.

Huyền kể mà giọng nghèn nghẹn: “Cứ lầm lũi tập, không có quân xanh để “kéo”, thầy Lợi bằng mọi cách tìm VĐV nam tập cùng để kéo tôi chạy. Thầy còn âm thầm bỏ cả tiền của mình để giúp tôi trong quá trình tập luyện. 3 chiếc HCV SEA Games cùng chiếc HCV châu Á năm 2017 chính là phần thưởng mà tôi dành tặng thầy - người tôi coi như cha và đã vì tôi mà hi sinh tất cả”.

Sinh ra đã không biết mặt cha, đến khi lên đội tuyển điền kinh Nam Định rồi vào đội tuyển quốc gia, mỗi bước Huyền đi đều có sự song hành của HLV Vũ Ngọc Lợi. Vốn nhà có nghề thuốc gia truyền, Huyền có thể lực tốt cũng nhờ các bài thuốc của thầy. Khi Huyền chán nản, thầy Lợi ở bên động viên. Khi Huyền mải chạy theo ánh hào quang, sao nhãng tập luyện, nói không được, tức quá, thầy Lợi lên mặt báo nói mong trò tỉnh ngộ. Cuối cùng thì Huyền đã quay trở lại, viết tiếp câu chuyện về tình thầy trò cảm động.

Và mùa Xuân ươm mầm cho hy vọng

Khi thời khắc thiêng liêng của đêm giao thừa đánh dấu sự kết thúc của năm cũ cũng là lúc Lê Tú Chinh, cô bé mồ côi mẹ nghèo khó ngày nào, ước nguyện về một tấm huy chương tầm châu lục. Năm qua, Tú Chinh lập kỳ tích với 3 HCV SEA Games ở cự ly 100m, 200m và tiếp sức 4x100m. Trong thành công mang tính đột phá đó, có đóng góp lớn của người thầy mà Hương coi như người mẹ thứ hai, HLV Nguyễn Thanh Hương. Khi đứng lên bục nhận huy chương, Chinh cho biết người đầu tiên cô nghĩ đến là mẹ Hương, người đã yêu thương dạy dỗ, chăm sóc cho Chinh bằng tất cả tình yêu của một người mẹ.

Tại SEA Games 29, HLV Nguyễn Thanh Hương âm thầm chuẩn bị cho cô học trò ruột tỉ mẩn từng thứ một, như người mẹ yêu con, chăm bẵm cho đứa con cưng trước một kỳ thi lớn. Phát hiện ra Chinh trong lần đi tuyển quân tại một trường tiểu học, chị Hương ngay lập tức nhận ra tố chất đặc biệt của Chinh và càng đồng cảm hơn khi cô học trò có số phận nghèo.
Từ đó chị Hương trở thành người mẹ thứ hai của Chinh, vừa truyền đạt hết kinh nghiệm và kỹ thuật, vừa chăm sóc, thủ thỉ tâm sự, giúp Chinh vượt qua gian khó. Chính sự hy sinh của HLV Nguyễn Thanh Hương đã tạo nên một nữ hoàng tốc độ mới, với những bước chạy thần tốc của thể thao Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần