Cảm hứng khởi nghiệp từ “làng lúa, làng hoa...”

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế Quốc dân)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 1979, khi người Nhật đưa ra ý tưởng “Mỗi làng một sản phẩm” để tạo ra cảm hứng khởi nghiệp cho toàn dân, thì cùng thời điểm đó ở Việt Nam, ca khúc “Mùa xuân, làng lúa, làng hoa” của nhạc sĩ Ngọc Khuê ra đời cũng không kém về ý tưởng và cảm xúc để khởi nghiệp.

Từ ý tưởng “Mỗi làng một sản phẩm”

Sau khoảng 40 năm, ý tưởng “mỗi làng…” của người Nhật đã lan tỏa đến trên 40 quốc gia, còn ý tưởng “lúa, hoa” vẫn đang trong quá trình lan tỏa thành hành động.

Tính chất làng, xã là đặc trưng của một nền sản xuất nông nghiệp, khép kín nhưng lại kết tụ các nguồn lực để tạo ra một sản phẩm mang tính tinh hoa của làng đó. Nó vừa là đặc sản, đặc thù đồng thời là lợi thế “trời phú” để khẳng định sự khác biệt. Mô hình “mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản được coi là đơn giản, dễ áp dụng, tận dụng nguồn lực sẵn có để tạo sinh kế, thậm chí làm giàu của làng. Đưa làng từ một miền quê heo hút, nghèo nàn, khô cằn trở thành đô thị giàu có, văn minh, hiện đại.

Mô hình khởi nghiệp trồng dưa theo công nghệ cao tại thôn Thường Lệ, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh. Ảnh: Công Hùng

Ý tưởng này được nhiều nước áp dụng thành công như: Thái Lan, Indonesia, Banglades, các nước châu Phi và Việt Nam. Ban đầu chỉ ra sản phẩm được tôn vinh để khẳng định năng lực của làng nhưng sau đó, sản phẩm được đầu tư theo chiều sâu, cải thiện mẫu mã, màu sắc, kiểu dáng, tăng độ tinh xảo, đăng ký quyền sở hữu công nghiệp để đạt tiêu chuẩn quốc tế toàn diện và đồng bộ, để đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường quốc tế. Rõ ràng, ý tưởng này có sức lan tỏa do gắn với thị trường và các loại kỹ thuật của marketing.

Người Việt Nam rất quen thuộc với câu hát “Làng lúa, làng hoa, làng sen…”, đây là một câu hát nhưng hàm ý sản phẩm ban đầu hình thành mang tính tự nhiên dựa trên thế mạnh của làng, xã. Nếu nói khái quát, Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, mỗi làng, xã, buôn, bản luôn xoay quanh phương châm “nuôi con gì và trồng cây gì”. Có làng có sản phẩm về tre, nứa chuyên đan lát, tạo các sản phẩm như rổ, rá, rế, đồ mỹ nghệ. Có làng chuyên sản xuất các loại bánh như bánh dày, su sê hay kẹo cu đơ. Có buôn, bản chuyên dệt các loại túi thổ cẩm, váy. Có làng chỉ sản xuất bánh đa, lụa hay có làng có sản phẩm làng lúa, làng hoa, nuôi gà, trồng quất… Rồi có làng xã có thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp như lúa, lạc, tiêu, cây ăn quả… Các loại sản phẩm này đều mang bản sắc làng, xã, buôn, bản, có truyền thống lâu đời và có tiếng là độc đáo, thậm chí “độc nhất vô nhị”.

Việc khai thác sản phẩm này thuận lợi, sẵn có, dễ học hỏi và phù hợp với trình độ của người dân ở làng, xã, buôn, bản, từ đó tạo ra việc làm, thu nhập, làm giàu cho nhiều cá nhân, hộ gia đình, dòng họ và thậm chí cả làng. Rõ ràng, khởi nghiệp từ ý tưởng “một làng một sản phẩm” hay “làng lúa, làng hoa” theo cách nói của người Việt hoàn toàn có thể thực hiện.

Cần một tầm cao mới

Trong điều kiện khởi nghiệp với nhiều đòi hỏi khắt khe và có tính cạnh tranh cao như hiện nay, các sản phẩm lúa, hoa cần được tiêu chuẩn hóa, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, sàng lọc và đào thải của thị trường cho nên cần sự độc đáo. Khởi nghiệp có thêm nguồn cảm hứng mới vì sự đông đảo của lực lượng và sự đa dạng của ý tưởng. Không chỉ thị trường trong nước mà còn thị trường thế giới.

Ý tưởng “mỗi làng một sản phẩm” phổ biến và thành công trong 40 năm và không có bằng chứng cho thấy ý tưởng này không còn lan tỏa mạnh mẽ giá trị của nó. Vì thế cảm hứng khởi nghiệp “lúa và hoa” cũng không dừng lại mà cần được đặt trên tầm cao mới của thị trường, của lòng tin, ý chí khởi nghiệp cũng như tích hợp thêm các kỹ thuật, công nghệ cao của thời đại công nghệ và kỹ thuật marketing hiện đại. Các nghiệp chủ cần mạnh dạn hơn, thậm chí chấp nhận rủi ro ban đầu, ý tưởng sản phẩm ban đầu sơ khai nhưng sẽ thành công. Để “mùa xuân, làng lúa, làng hoa” không chỉ là bài hát ca ngợi tình yêu lao động của người Việt Nam mà là một nguồn cảm hứng mạnh mẽ về khởi nghiệp không kém “Mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản mà sau 40 năm mới nhận ra có sức lan tỏa hiệu quả không chỉ trong nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần