Cam kết cụ thể, hành động quyết liệt

Thế Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội - hợp tác đầu tư và phát triển đã và đang trở thành lời cam kết, trên cơ sở đó, TP và các sở, ngành, quận, huyện, thị xã quyết liệt nhập cuộc nhằm tăng sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô.

Kết quả sau hơn một năm triển khai các cam kết với nhà đầu tư, Hà Nội đã và đang khẳng định vai trò tiên phong trong cải thiện môi trường đầu tư. Đi cùng với đó là điều kiện sống của người dân cũng tiếp tục có sự cải thiện đáng kể.
 
“Chúng tôi muốn mọi thứ đơn giản, hấp dẫn nhất có thể để các bạn đầu tư, kinh doanh lâu dài, ổn định, cùng có lợi”, đó là cam kết mạnh mẽ mà Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đưa ra trước cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư tại Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư & phát triển”. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư không phải là bằng mọi giá mà có sự chọn lọc với những định hướng cụ thể tập trung vào những dự án công nghệ cao, công nghệ thông tin làm tiền đề cho phát triển đô thị thông minh, dự án phát triển hạ tầng, dịch vụ chất lượng cao, tạo chuỗi liên kết giữa Hà Nội với các tỉnh và những thị trường xuất khẩu lớn… Và quan trọng hơn cả là những dự án này hướng tới phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nghĩa là hướng tới người dân. Điều này đã góp phần không nhỏ trong thu hút đầu tư của Hà Nội khi số dự án, số vốn cam kết từ phía các DN lớn hơn rất nhiều so với những năm trước. Các nhà đầu tư cam kết 26 nội dung thuộc 10 chương trình trong các lĩnh vực: Cây xanh; Vệ sinh môi trường; Y tế ứng dụng công nghệ cao; Hỗ trợ giáo dục; Nước sạch nông thôn; Hỗ trợ người nghèo tiếp cận thông tin; An toàn thực phẩm; Hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Chỉnh trang đô thị; Hỗ trợ an sinh xã hội.

Thực tế này đã từng bước củng cố mối quan hệ đối tác với DN để cùng nhau phát triển khi vốn đầu tư xã hội được coi là quyết định, DN và dân doanh là chủ thể và được tạo mọi điều kiện để phát triển. Trong đó, cùng với việc triển khai các chương trình, nghị quyết, kế hoạch hành động của T.Ư, Chính phủ và TP (đặc biệt là Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, Nghị quyết 35NQ-CP về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020), nhiều giải pháp được Hà Nội tích cực triển khai trong thời gian qua như: Tăng cường đối thoại, giải quyết vướng mắc của DN; Xây dựng nền hành chính hiện đại; xây dựng chính quyền điện tử, TP thông minh; hỗ trợ DN khởi nghiệp, tiếp cận các nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, kết nối ngân hàng với DN, hỗ trợ DN tiếp cận thị trường, công nghệ mới; đẩy mạnh liên kết vùng, xây dựng các chuỗi liên kết giá trị...

Bộ máy hành chính, một trong những tồn tại nhiều năm của Hà Nội thời gian qua trước yêu cầu mới cũng đã chứng kiến những chuyển biến tích cực khi kỷ cương, kỷ luật hành chính được tăng cường trên tinh thần 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”. Bộ máy hành chính đang chuyển động theo hướng “Xác định người dân và DN là đối tượng để phục vụ”.

Kết quả bước đầu của những nỗ lực trên được ghi nhận bằng những con số, đánh giá cụ thể. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội xếp thứ 24/63, tăng 2 bậc so với năm trước, xếp hạng cao nhất kể từ ngày công bố PCI. Vốn đăng ký ngoài ngân sách Nhà nước đến 31/12 đạt 439,2 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nước ngoài đạt 3,11 tỷ USD (tăng 2,93 lần so với với năm 2015, gấp hơn 2 lần kế hoạch năm 2016; Gần 23.000 DN đăng ký thành lập mới, tăng 18% (vốn đăng ký 232,758 nghìn tỷ đồng, tăng 63%)… Hợp tác, liên kết với các nước, các thị trường tiếp tục được mở rộng…

Song, điều đặc biệt quan trọng đằng sau những kết quả này là những thay đổi về bộ mặt đô thị, hệ thống hạ tầng tiếp tục cải thiện, người dân nhất là tại các vùng nông thôn được tiếp cận những phương thức sản xuất mới, dịch vụ y tế, giáo dục, công nghệ thông tin… chất lượng cao; nhiều hộ nghèo, hộ chính sách được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở… đã góp phần không nhỏ trong công tác an sinh xã hội trên địa bàn TP.

Cam kết cụ thể, hành động quyết liệt để cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô, làm tốt vai trò kiến tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, hướng tới người dân... sẽ tiếp tục được thể hiện trong Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư & phát triển”. Và xin nhắc lại khẳng định của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung trước cộng đồng DN và nhà đầu tư để làm rõ tinh thần nhất quán, xuyên suốt của Hà Nội: “Chúng tôi chân thành mời gọi và sẵn sàng hợp tác với tất cả các DN, doanh nhân, các nhà đầu tư đã, đang và sẽ quan tâm tới tiềm năng, lợi thế và chung tay cùng xây dựng Hà Nội xứng tầm là Thủ đô của một quốc gia hòa bình, hữu nghị, năng động và phát triển, thực sự trở thành điểm đến đầu tư an toàn và thành công của các DN trong và ngoài nước”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần