Cấm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi: Vì một nền nông nghiệp an toàn

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lạm dụng kháng sinh đang gây ra nhiều mối lo ngại về chất lượng, ATTP đối với sản phẩm chăn nuôi, thủy sản hiện nay.

Do đó, quan điểm của Bộ NN&PTNT về cấm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản (NTTS) từ năm 2018 đang được nhiều chuyên gia đồng tình, ủng hộ.
Vẫn còn lo ngại
Đến thời điểm này, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và NTTS vẫn còn là vấn đề khá nhức nhối ở nhiều địa phương. Theo khảo sát mới đây của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) tại 208 trang trại chăn nuôi gia cầm ở tỉnh Tiền Giang, lượng kháng sinh sử dụng trên đầu gia cầm cao gấp 6 lần so với ở một số nước châu Âu. Trong đó, 84% kháng sinh được sử dụng với mục đích phòng bệnh và ở mỗi chu kỳ chăn nuôi, 72% số trang trại đều sử dụng ít nhất một loại kháng sinh để phòng, trị bệnh hoặc kích thích tăng trưởng. Đối với chăn nuôi lợn, hàm lượng kháng sinh lên tới 286,6mg/kg lợn hơi.

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai. Ảnh: Quang Thiện

PGS.TS Nguyễn Viết Không - Phó Viện trưởng Viện Thú y (Bộ NN&PTNT) chia sẻ, đến nay đã có quá nhiều hóa dược, thuốc, thực phẩm chức năng, phòng, dự phòng bệnh trong chăn nuôi. Trong đó, nguy cơ lớn hiện hữu đã được nhìn nhận từ khoảng 10 năm nay là kháng kháng sinh do lạm dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi. “Do không kiểm soát được liều lượng hoặc vì lợi nhuận kinh doanh, con người đã biến các "thần dược" thành công cụ luyện tập cho vi sinh vật chống lại chính mình. Trong khi đó, khoa học đã chứng minh chúng ta hoàn toàn có thể nuôi gia súc, gia cầm không cần thêm kháng sinh vào thức ăn” - PGS.TS Nguyễn Viết Không cho biết.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc sử dụng rộng rãi kháng sinh trong chăn nuôi và NTTS ở Việt Nam làm gia tăng sự hiện diện của các vi khuẩn kháng thuốc. Bên cạnh đó, việc bán thuốc kháng sinh không theo đơn hay trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản mà không được giám sát về chuyên môn cho thấy thuốc kháng sinh đang được sử dụng một cách thiếu trách nhiệm. TS Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, tình trạng sử dụng kháng sinh, chất cấm trong NTTS còn khá phổ biến, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm và ATTP.
Quyết tâm dẹp loạn
Thời gian qua, một số lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục bị các thị trường cảnh báo về hàm lượng tồn dư kháng sinh, hóa chất cấm. Còn đối với chăn nuôi, sản phẩm thịt lợn, gia cầm xuất khẩu sang các nước vẫn còn khá hạn chế, một phần do chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Điều này đặt ra yêu cầu đối với ngành chăn nuôi và NTTS là phải nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó có việc quản lý chặt tình trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh trong quá trình sản xuất.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, với số lượng lớn thịt lợn và thịt gia cầm tiêu dùng trong nước hàng ngày, việc tồn dư kháng sinh có thể là rủi ro lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Điều này cũng có thể gây ra những bệnh mới nổi lây truyền sang người hoặc những bệnh mới nổi lây truyền qua thực phẩm. Do đó, từ đầu năm 2018, Việt Nam sẽ dừng sử dụng các loại kháng sinh cho mục đích sinh trưởng trong chăn nuôi, NTTS và chỉ cho phép sử dụng trong sản xuất con giống. Đặc biệt, lộ trình đến năm 2020, Việt Nam sẽ dừng hẳn việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và NTTS.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết thêm, Bộ sẽ bàn bạc cụ thể về danh mục kháng sinh sử dụng cho động vật, danh mục kháng sinh sử dụng cho người, hạn chế sử dụng chung kháng sinh cho cả động vật và người. Hiện tại, theo Thông tư 06/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ NN&PTNT, danh mục kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi từ 43 loại trước đây đã được cắt giảm chỉ còn 15 loại và cũng chỉ được phép sử dụng đến ngày 31/12/2017.
Đầu tháng 8/2017, Bộ NN&PTNT đã triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý và sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và NTTS 2017 - 2020 với sự hỗ trợ tài chính từ Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID).