Cần 1 cuộc “đại phẫu” cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn bày tỏ quan điểm, cần 1 cuộc thanh tra đầy đủ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sau những sự việc vừa xảy ra.

 Cao tốc 34.500 tỷ đồng hư hỏng sau hơn 1 năm khai thác.
Nghi vấn bớt xén từ việc bán thầu nhiều lần
Theo hồ sơ có được, trong quá trình thi công dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, các nhà thầu đã mắc nhiều sai phạm và đã có kết luận thanh tra.

Cụ thể, theo hồ sơ thể hiện vào tháng 4/2017, Thanh tra Bộ GTVT đã có biên bản thanh tra gói thầu A5, thuộc nguồn vốn World Bank (WB). Ông Lê Văn Doãn - Phó chánh Thanh tra Bộ GTVT (Trưởng đoàn Thanh tra) đã làm việc với Công ty Posco Engineering & Construction Co. ,Ltd (Posco E&C) của Hàn Quốc. Trong quyết định số 91 (ngày 19/8/2014), Bộ Xây dựng cho phép công ty này thực hiện gói thầu A5, đoạn Km 124+700 đến Km 139+204 (thuộc địa bàn các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và Nghĩa Hành của tỉnh Quảng Ngãi). Giá trị gói thầu này là 1.394 tỷ đồng.

Sau khi ký hợp đồng với chủ đầu tư, Công ty Posco E&C không thực hiện theo cam kết mà thuê thầu phụ thi công 100% toàn bộ các hạng mục công việc. Cụ thể, Posco E&C đã thuê các công ty như Á Đông, INCICO, Công ty CP xây dựng cầu 75 - Cienco 8, Sông Đà Thăng Long Miền Nam, Cơ giới và Xây lắp số 9 (Licogi 9), Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng B.M.T; Công ty cổ phần sở hữu Thiên Tân (Evemew)… thi công các hạng mục của gói thầu.

Trong lúc các nhà thầu phụ đang tiến hành thi công thì cơ quan giám sát phát hiện nhà thầu chính “bán thầu” nên đã báo cáo chủ đầu tư. Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã yêu cầu các nhà thầu phụ dừng thi công. Thanh tra Bộ GTVT cũng kết luận Posco còn ký hợp đồng với 5 nhà thầu phụ khác, nhưng chủ đầu tư đã kịp thời phát hiện nên không chấp thuận.

Việc “bán thầu” này đặt ra trong dư luận nghi vấn liệu dự án có bị “bớt xén” trong quá trình thi công gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Về điều nay, Kỹ sư Mai Công Sơn - người có kinh nghiệm quản lý nhiều dự án lớn, chia sẻ: Chủ thầu bán thầu cho đơn vị khác thì phải có lời, từ 10 đến 15% giá trị hợp đồng. Việc bán thầu diễn ra nhiều lần thì số tiền bị cắt xén càng lớn. Vì thế, Kỹ sư Sơn cho rằng, nếu muốn biết chất lượng công trình có đúng hồ sơ thiết kế hay không, các cơ quan chức năng phải vào cuộc thanh tra toàn diện đối với dự án.

Cần xem xét lại vấn đề chuyển nhượng thầu

Theo luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng), liên quan đến các dự án có nguồn vốn từ ngân sách, nguồn vốn của nhà nước đi vay từ nước ngoài quan trọng như Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, việc tổ chức công tác đấu thầu phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt từ phía chủ đầu tư theo Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu. “Về nguyên tắc, không thể có chuyện nhà thầu chính chuyển nhượng toàn bộ (100%) khối lượng thi công trình cho nhà thầu phụ”, Luật sư Cao khẳng định.

Luật sư Lê Cao viện dẫn: Theo Luật đấu thầu 2005, sau được thay thế bằng Luật Đấu thầu 2013, thì nhà thầu phụ chỉ được phép thực hiện một phần công việc nhất định từ nhà thầu chính. Trong nhiều trường hợp, ngay tại thời điểm tham gia dự thầu, thì nhà thầu chính buộc phải lập danh sách các nhà thầu phụ đủ điều kiện mới được tham gia thầu, và nhà thầu chính chỉ được chuyển nhượng thầu cho những nhà thầu phụ trong danh sách mời thầu mà chủ đầu tư đã phê duyệt.
  Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nhìn từ trên cao
“Không thể có việc chuyển nhượng thầu đối với các nhà thầu phụ khác một cách tùy tiện khi chưa được Chủ đầu tư chấp thuận. Đặc biệt, Luật hoàn toàn không cho phép nhà thầu bán toàn bộ 100% gói thầu mà mình ký hợp đồng với chủ đầu tư cho các nhà thầu khác. Trường hợp bán thầu cả 100% gói thầu thể hiện việc nhà thầu chỉ như bên môi giới gói thầu để bán lại cho nhà thầu khác thực hiện là điều bị cấm theo khoản 8, Điều 89 của Luật đấu thầu năm 2013”, ông Cao nhấn mạnh.

Với những căn cứ trên, luật sư Lê Cao cho rằng, từ hiện trạng kém chất lượng của dự án, cần rà soát các hoạt động chuyển nhượng thầu trái pháp luật của những bên liên quan; cần xem xét trách nhiệm của doanh nghiệp đại diện nguồn vốn đầu tư cũng như trách nhiệm của các nhà thầu chính bán thầu không hợp pháp để xem xét chế tài nghiêm minh thì mới hạn chế được việc đấu thầu trái pháp luật.

Cần 1 cuộc thanh tra đầy đủ

Trao đổi với phóng viên chiều 16/10, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn bày tỏ: “Từ những thông tin vừa qua mà báo chí lẫn cả người dân liên tiếng, thì rõ ràng có cơ sở để nghi ngờ có sự khuất tất trong dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Chính sự khuất tất này dẫn đến chất lượng công trình phải nghi ngờ, và bước đầu đã lộ diện”.

Ông Sơn nhấn mạnh thêm: “Với tầm quan trọng của một tuyến giao thông như Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đặc biệt với nguồn vốn 34.500 tỷ đồng đã bỏ ra để phục vụ cho mục tiêu phát triển mà xảy ra tình trạng như hiện nay thì tất cả mọi người đều không chấp nhận được. Vì thế, tôi cho rằng cần có một cuộc thanh tra đầy đủ dự án này. Những đoạn nào hư hỏng cần phải làm lại cho đạt tiêu chuẩn chứ không phải chỉ là câu chuyện thảm lại mặt đường. Tiếp đó, phải chỉ rõ trách nhiệm của từ đơn vị từ nhà thầu, đơn vị thi công, giám sát đến tư vấn thiết kế”.
Ngày 16/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ký ban hành quyết định thanh tra đột xuất việc quản lý, thực hiện, khai thác dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Theo quyết định trên, đoàn thanh tra gồm 5 thành viên, do ông Trần Ngọc Bảo - Phó chánh thanh tra Bộ GTVT, làm trưởng đoàn. Từ ngày 16/10, các thành viên sẽ tiến hành thanh tra việc quản lý, thực hiện, khai thác dự án 34.500 tỷ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần