Cần “bà đỡ” phát triển sản phẩm OCOP ở Chương Mỹ

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm ở cửa ngõ phía Tây của TP Hà Nội, Chương Mỹ là huyện có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và đặc biệt là nông nghiệp bền vững.

Bưởi Diễn của xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ được khách hàng ưa chuộng.
Đến hết năm 2020, toàn huyện Chương Mỹ có 59 sản phẩm được đánh giá, phân hạng chương trình OCOP, trong đó 1 sản phẩm được phân hạng 5 sao, 47 sản phẩm được phân hạng 4 sao, 11 sản phẩm được phân hạng 3 sao.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Trần Thị Thu Hằng cho biết, sản phẩm OCOP của huyện phân bố không đều, nhiều xã đến nay vẫn chưa có sản phẩm nào đạt tiêu chuẩn. Các sản phẩm OCOP được xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, hệ thống tổ chức thực hiện Chương trình OCOP từ cấp huyện đến cấp xã còn thiếu về số lượng, nhất là ở cấp huyện còn kiêm nhiệm nhiều nên ảnh hưởng lớn đến công tác chỉ đạo điều hành.

Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty CP Tiên Viên Đặng Như Bình cho biết: "Khó khăn lớn nhất của DN là vốn. Hiện công ty có 2 sản phẩm (bánh caramen và chân gà ngâm sả ớt) nhưng chưa mở rộng được thị trường tiêu thụ vì thiếu vốn đầu tư mua sắm xe chuyên dụng vận chuyển".

Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Nam Phương Tiến Lê Văn Lanh cho rằng: Với diện tích bưởi Diễn đạt tiêu chuẩn OCOP trên địa bàn xã là 150ha, sản lượng khoảng 2 triệu quả/vụ đã làm nhiều hộ dân trở nên khá giả. Vài năm trước, tình hình tiêu thụ bưởi rất tốt nhưng năm nay đã chững lạ. Nguyên nhân là một số hộ dân chưa chú trọng vào yếu tố khoa học nên chất lượng không đồng đều; mặt khác công tác quảng bá thương hiệu cũng bị hạn chế nên đến vụ này, đang còn khoảng 20% sản lượng bưởi trên địa bàn vẫn bí đầu ra.

Còn Chủ tịch UBND xã Đồng Phú Phạm Văn Hải khẳng định, đến nay xã đã có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao (gạo và đậu tương). Riêng với gạo, sau khi được xác nhận là sản phẩm hữu cơ, giá thu mua thóc tươi ngay tại ruộng đã được đơn vị thu mua nâng từ 9.000 lên 12.000 đồng/kg. “Hiện nay chúng tôi rất cần đầu tư chiều sâu về sản xuất, chế biến vì cho đến nay xã mới chỉ có 1 kho bảo quản hàng hóa do Đại học Tokyo và Học viện Nông nghiệp Việt Nam giúp đỡ. Từ 2019, xã đã liên kết với Công ty Green Phát, thu mua toàn bộ lúa tươi hữu cơ cho người dân. Nếu được đầu tư chiều sâu, các sản phẩm của Đồng Phú có đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ” - ông Phạm Văn Hải chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần