Cân bằng cuộc sống

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện có nhiều phụ nữ mặc dù có trình độ, chuyên môn nhưng sau khi lập gia đình đã chọn cách ở nhà làm nội trợ toàn phần. Và không ít gia đình, những buồn bực, tự ti cũng nảy sinh từ sự “lùi lại” này.

Một người phụ nữ kể, trước đây chị cũng có một công việc ổn định, nhưng mức lương hơi thấp, nên khi sinh con đã quyết định ở nhà. Nhưng, sự “sung sướng” được "ở nhà chồng nuôi" mau chóng qua đi. Cuộc sống quẩn quanh với những công việc "đều như vắt chanh", hết làm bữa sáng, lau nhà, giặt giũ, đến nấu cơm trưa, chuẩn bị cơm chiều… và chờ chồng về. Đặc biệt từ khi con lớn, đi học, chồng lại đi từ sáng tới tối, nên rốt cuộc, cả ngày chị chỉ biết nói chuyện với chính bản thân mình hoặc đắm chìm trong những trang mạng. Thi thoảng, chị cũng muốn gọi điện tâm sự với bạn bè, rồi rủ bạn bè đi chơi cho khuây khỏa nhưng ai cũng bận bịu kiếm sống cả. Chị cũng muốn kiếm việc để làm, nhưng hễ cứ nhắc đến là chồng chị lại gạt đi. Anh lại giảng cho chị bài học về vai trò của người phụ nữ trong gia đình là chăm chồng, chăm con, chứ không phải mải mê kiếm tiền. Không muốn mất hòa khí gia đình, nên chị lại nín lặng với vai trò bà nội trợ của mình, để thi thoảng ngồi ngẩn ngơ, chị lại thèm cái cảm giác như hồi còn đi làm, tuy lương thấp, nhưng lại được sống hết mình cho công việc. Cuộc sống trước mắt chị nhìn phẳng lặng, yên bình nhưng bên trong lại tẻ nhạt.
 Ảnh minh họa.
Với không ít người, do ở nhà, nên cũng không quan tâm đến công việc ngoài xã hội của chồng, không cần biết về những toan tính, dự định cho tương lai. Có người còn nói, chính chị cũng không biết chồng đang làm gì, tiền kiếm bao nhiêu một tháng. Bởi chồng đưa sao thì biết vậy. Điều duy nhất họ làm là cố gắng chi tiêu, dành dụm trong khoản tiền anh đưa. Tự họ luôn có cảm giác "không hài lòng" với bản thân, cảm thấy mình không giỏi giang, lâu dần rơi vào trạng thái trầm cảm, thấy bản thân mình “lép vế” trong cuộc sống gia đình và dễ nảy sinh cảm giác ghen tỵ, nghi ngờ.

Một điều tra ở những phụ nữ trong diện "ở nhà chồng nuôi" cũng cho thấy rằng, những phụ nữ không đi làm thường có nguy cơ bị trầm cảm và khó điều chỉnh được cảm xúc, dễ buồn, dễ vui và thất thường hơn người đi làm ngoài xã hội. Trong khi nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, nhiều gia đình sai lầm khi cho rằng chỉ cần người chồng đi làm cũng đủ nuôi vợ, con. Nhưng thực tế, hạnh phúc không chỉ là sự đủ đầy về vật chất, mà còn đòi hỏi đời sống tinh thần tương ứng. Phụ nữ không đi làm có thể nhàn hạ hơn nhưng không có nghĩa là hạnh phúc hơn. Công việc nhà nhiều cộng với thái độ của những người xung quanh gây ra áp lực rất lớn. Không ít người vợ còn rơi vào cảnh chán nản và cô đơn triền miên cũng chỉ vì không thể “theo kịp” và luôn thấy mình ngày càng lạc hậu trong cuộc sống cạnh chồng.

Cuộc sống hiện đại, khái niệm “bình đẳng giới” được nói đến khá nhiều, hiện tượng chồng rửa bát, nấu cơm, giặt giũ quần áo cho vợ lúc bận rộn đã không còn là chuyện hiếm. Vợ chồng cũng không còn “ai là số một” nữa, mà ai cũng có trách nhiệm chăm lo cho gia đình, con cái. Sự đóng góp của cả hai vợ chồng vào kinh tế gia đình, vào việc xây dựng và giữ gìn hạnh phúc cho mái ấm của mình đều cần thiết và quan trọng như nhau... Quan điểm phụ nữ chỉ lo chuyện nội trợ trong gia đình, đàn ông gánh vác việc xã hội và là trụ cột kinh tế của gia đình cũng có những nét thay đổi nhiều. Dù vậy, khái niệm mặc nhiên cho rằng, vai trò hàng đầu của người phụ nữ trong gia đình là phải tề gia nội trợ cũng chưa mất hẳn.

Bởi vậy, lựa chọn giữa đi làm hay ở nhà trông con tùy thuộc quan điểm và điều kiện sống riêng của mỗi gia đình. Tuy nhiên, nếu đã lựa chọn ở nhà, mỗi người phụ nữ cũng không nên biến mình trở thành những bà nội trợ lạc hậu với cuộc sống bên ngoài. Đó là điều các nghiên cứu và chuyên gia đã chỉ ra. Hãy tham gia các hoạt động bên ngoài gia đình để tăng cường mối quan hệ xã hội. Thậm chí, nếu chọn ưu tiên chăm sóc gia đình, phụ nữ vẫn có thể kiếm được một số việc làm tại nhà, qua mạng xã hội, internet hiện đang rất phổ biến, để không hoàn toàn phụ thuộc kinh tế vào chồng và giải tỏa tâm lý. Bởi những việc không tên ở nhà kéo dài bất tận sẽ tạo ra cảm giác mệt mỏi, chán nản. Nhiều ông chồng vẫn cho rằng lau nhà rửa bát là việc tay chân, ai cũng làm được và vợ ở nhà thì phải làm việc đó là tất yếu. Vì thế, bản thân người phụ nữ liên tục phải nỗ lực nhưng không được đánh giá xứng đáng như khi đi làm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần