Cần cách nhìn toàn diện để bảo tồn và phát triển cây xanh Thủ đô

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Hà Nội thực hiện đề án cải tạo, thay thế 6.700 cây xanh đang thu hút sự quan tâm ...

Kinhtedothi - Việc Hà Nội thực hiện đề án cải tạo, thay thế 6.700 cây xanh đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Thành phố đã nhìn nhận, quy trình làm còn nóng vội, chưa tạo được sự đồng thuận cao của Nhân dân và đã chỉ đạo đình chỉ thực hiện.

Tuy nhiên, một vấn đề cần đặt ra, nếu dừng triển khai thì cây xanh đô thị Hà Nội trong tương lai sẽ như thế nào? An toàn trên mỗi tuyến phố đang cấp thiết được bàn tới. Hà Nội đang thực sự cần cách nhìn nhận toàn diện, để làm sao tiếp tục thực thi, vừa bảo tồn, vừa phát triển một cách hài hòa.

Áp lực đô thị đè lên hệ thống cây xanh Hà Nội

Hà Nội xưa yên bình, rợp bóng mát với hệ thống cây xanh tuyệt đẹp được xem như “di sản” văn hóa vật thể và phi vật thể của người dân Hà Thành. Vậy nhưng, khi thành phố phát triển nhanh chóng, hệ thống cây xanh đang “cõng” trên mình nhiều áp lực bởi tốc độ đô thị hóa.
Ảnh minh họa.
Những tuyến phố cổ, có hàng cây đẹp, đồng bộ, không bị xâm hại, Hà Nội đã hoàn tất việc đánh số cây để bảo tồn. Trong ảnh: Hàng Sấu trên đường Trần Hưng Đạo.
Phố phường Hà Nội giờ đây đổi thay rất nhiều, chủ yếu nhà cao tầng mọc san sát, thậm chí nhiều nhà lấn chiếm vỉa hè, vi phạm chỉ giới đường đỏ, chưa kể lại sử dụng mái che, mái vẩy đua ra đường, che bóng cây xanh. Theo quy luật quang học, cây xanh luôn phải vươn ra tìm ánh sáng, nên chủ yếu ngã ra hướng lòng đường, gây mất cảnh quan và thiếu an toàn. Còn khi cây xanh phát triển lên cao, lại không được chặt tỉa cành thường xuyên, nên cây mọc không thẳng và hệ thống “màng nhện” dây điện chằng chịt trên cao, khiến cây đi trái quy luật.

Đối với dưới lòng đất, đặc thù thổ nhưỡng của Hà Nội có hệ thống nước ngầm  cao, cách mặt đất chừng 1 mét. Khi rễ cây phát triển gặp hệ thống nước mặt thì nó không đi theo chiều thẳng xuống mà lại lan tỏa thành các chùm rễ, nằm cạn trên bề mặt. Cạnh đó, đất trồng cây tơi xốp, nhiều nơi ô nhiễm, đất xen lẫn rác, lá cây, hệ thống nước thải bẩn làm cho rễ cây không chắc khỏe. Ngoài ra, đô thị phát triển, quán xá, nhà hàng, gara ô tô mọc san sát, thiếu chỗ dựng xe, vì vậy cây xanh đã làm bất tiện trong việc đi lại, sinh hoạt, nên người dân đã tìm nhiều cách triệt hạ. Công an Hà Nội cho biết, có nhiều hiện tượng người dân thuê các đối tượng đổ nước nóng, a xít, dầu luyn, bịt xi măng gốc cây làm cây chết đang diễn ra, mà công an cũng phải lập chuyên án đề đấu tranh phòng chống.

Một thực tế, thời gian qua Hà Nội phát triển mạnh hệ thống hạ tầng ngầm như: Cống mương thoát nước, hệ thống thông tin liên lạc, đường xá… nên không tránh khỏi việc đào bới đất để thi công, dẫn tới rễ cây bị ảnh hưởng, cắt xén, làm cây khó bám chặt vào đất.

Cây xanh Hà Nội đang bị xâm hại nghiêm trọng, nguyên nhân chủ yếu do con người tạo ra. Theo thống kê chưa đầy đủ của Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, chỉ tính riêng từ năm 2010 - 2012 trên địa bàn Hà Nội xảy ra 126 vụ xâm hại cây xanh, trong thực tế còn rất nhiều vụ chưa được phát hiện. Ngoài ra, Công ty đã tiến hành tháo dỡ mặc dù một lượng nhỏ biển quảng cáo, rao vặt trên thân cây nhưng cũng tới 3.000 biển. Công an Hà Nội cũng đã khởi tố nhiều vụ chặt trộm gỗ Sưa táo bạo.

Những điều trên, qua năm tháng khiến nhiều cây xanh ở Hà Nội phát triển không đồng đều, lộn xộn, chưa đúng tiêu chuẩn, quy cách, còi cọc, nhanh mục nát, rễ cây bám không chặt vào lòng đất và rất dễ đổ.

Nguy hiểm rình rập

Cứ đến mùa mưa bão, lãnh đạo, cũng như người dân Hà Nội lo sợ nhất hai điều: “Ngập nước và cây đổ”. Thực tế diễn ra hàng năm, năm nào mưa gió lớn có hàng trăm cây xanh đổ xuống đường, thiệt hại rất lớn về tài sản cho người dân, và đây luôn là đề tài nóng bỏng, thậm chí chính quyền còn phải nhận sự chỉ trích rất nặng nề từ phía công luận.

Nếu vào hệ thống Google tìm kiếm từ khóa “Hà Nội - Cây đổ chết người”, chỉ trong vòng 0,40 giây đã có 677.000 kết quả, để nói lên sự quan tâm đến chủ đề này. Chỉ cách đây vài năm, người dân Hà Nội phải chứng kiến nhiều vụ cây đổ đè bẹp dúm nhiều phương tiện và chết nhiều người như ở phố Lò Đúc, Quán Thánh, Hàn Thuyên, Hùng Vương…

Sau những vụ tai nạn chết người, chịu thiệt thòi vẫn chỉ thuộc riêng về người bị nạn, mà dường như không xác định được đâu là lỗi do thiên tai hay là lỗi do các nhà chức trách chưa làm tốt công tác bảo vệ cây xanh, dẫn tới không có bồi thường trách nhiệm.

Điều 626 Bộ luật Dân sự quy định: "Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gãy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng". Báo chí từng đặt rất nhiều câu hỏi liên quan đến điều luật trên rằng, ai sẽ phải chịu trách nhiệm, bồi thường thiệt hại trong vụ cây đổ đè chết người ở những vụ tai nạn nói trên.

Hà Nội đang bước gần tới mùa mưa bão, mùa Xuân là thời thời điểm đẹp nhất trong năm để trồng thay thế cây xanh và chặt tỉa cành lá. Thành phố cũng đang nỗ lực rà soát hệ thống cây không đảm bảo chất lượng để thay thế kịp thời, hạn chế nguy hiểm rình rập.

(còn nữa)