Cần coi trọng giải quyết khiếu nại tố cáo từ cơ sở

Bài, ảnh: Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn tại Hội nghị tổng kết đánh giá 4 năm thi hành Luật khiếu nại, Luật tố cáo (KNTC) do UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 27/10.

Cùng dự có các đồng chí Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội và đồng chí Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Giải quyết 9.397 vụ KNTC

Tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chánh Thanh tra TP cho biết, thời gian qua, công tác giải quyết KNTC luôn được Thành ủy, UBND TP xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, bên cạnh việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, TP cũng đã đẩy mạnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về KNTC nên công tác giải quyết KNTC đã có nhiều chuyển biến tích cực.
 Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết 4 năm thi hành Luật KNTC.
Ngoài ra, chất lượng giải quyết KNTC từng bước được nâng cao. Nhiều vụ KNTC tồn đọng, phức tạp và kéo dài được giải quyết dứt điểm. Theo đó, từ năm 2012 đến nay, có 894 vụ khiếu nại công dân tự nguyện rút đơn (chiếm 12% số vụ khiếu nại). Trong 4 năm qua, TP đã thụ lý theo thẩm quyền 10.962 vụ KNTC, đã giải quyết 9.397 vụ. Tỷ lệ giải quyết trung bình hàng năm đạt 85,7%. Qua giải quyết KNTC, đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 9.695 triệu đồng và 157.449m2 đất. Đồng thời, đã kiểm điểm trách nhiệm 71 tập thể, 211 cá nhân và chuyển cơ quan điều tra 4 vụ việc.

Mặc dù Hà Nội là địa phương có kết quả giải quyết KNTC cao so với các địa phương khác, tuy nhiên từ năm 2012 đến nay, tình hình KNTC của công dân có tăng so với giai đoạn trước (2008 - 2011). Điều này được thể hiện trên các chỉ tiêu số lượng công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước KNTC, kiến nghị, phản ánh tăng 9,1%; số vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước của TP tăng 23%. Nội dung KNTC chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; bồi thường, hỗ trợ khi GPMB…

Các cấp, ngành cùng vào cuộc

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn ghi nhận những kết quả đạt được, đồng thời đề nghị thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, người đứng đầu các tổ chức, các cấp chính quyền. Đặc biêt, cần coi trọng giải quyết các vấn đề KNTC ngay từ cơ sở bằng việc tăng cường đối thoại. Tiếp tục coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật đối với công dân, đặc biệt là công tác vận động, hòa giải ở cơ sở. Công khai minh bạch các cơ chế chính sách và rà soát hoàn thiện những cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền của TP để tháo gỡ.

Phó Bí thư Thành ủy cũng đề nghị các quận, huyện, sở, ngành của TP tiếp tục nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân. Tổ chức tập huấn và có cơ chế chính sách khuyến khích, động viên đối với cán bộ làm công tác này, đồng thời xem xét trách nhiệm đối với cán bộ làm không hết trách nhiệm. Ngoài ra, cần làm tốt công tác truyền thông để kịp thời thông tin những chủ trương, chính sách của TP liên quan đến KNTC.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thành ủy, đồng chí Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện thị xã tiếp tục quán triệt, chỉ đạo đôn đốc thực hiện tốt công tác tiếp dân và giải quyết KNTC tại cơ quan, đơn vị. Trong đó, cần tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nâng cao trách nhiệm trong việc nắm tình hình, chủ động giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền ngay tại cơ sở. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra nhiệm vụ về thực hiện pháp luật tiếp công dân, giải quyết KNTC ở các đơn vị; kịp thời phát hiện, khắc phục tồn tại, hạn chế và xử lý nghiêm các vi phạm. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu cần tổ chức thực hành nghiêm túc, triệt để các quyết định về giải quyết KNTC, không để tồn đọng kéo dài…