Cân đối bài toán xuất - nhập rau quả

Thắng Văn
Chia sẻ Zalo

Con số hơn 600 triệu USD chi cho nhập khẩu rau quả trong 9 tháng đầu năm 2016 khiến nhiều người băn khoăn.

Bởi, với một nước nông nghiệp lại được thiên nhiên ưu ái cho nhiều vùng khí hậu, thổ nhưỡng phong phú như Việt Nam, khoản chi ấy không hề nhỏ. Và đằng sau con số ấy là bài toán quản lý như thế nào để tránh tình trạng nhập nhằng rau quả “ngoại – nội” từng nhiều phen khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.
Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, trong 9 tháng đầu năm 2016, cả nước đã chi 659 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng rau quả, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, chiếm đầu bảng xuất khẩu rau quả vào Việt Nam là Thái Lan (hơn 30%),  Trung Quốc (hơn 20%) và tiếp đó là Mỹ, Myanmar, Australia… Nhìn ở góc độ tích cực, giá trị nhập khẩu rau quả vẫn thấp hơn nhiều so với xuất khẩu mặt hàng này. Thống kê của Bộ NN&PTNT cũng cho thấy, giá trị xuất khẩu rau quả trong 9 tháng qua đạt 1,79 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước và gấp khoảng gần 3 lần giá trị nhập khẩu. Rau quả đang vươn lên bứt phá mạnh mẽ trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nông nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, từ giá trị nhập khẩu cũng phải nhìn nhận, việc quy hoạch cũng như tổ chức sản xuất rau quả của nước ta còn những hạn chế nhất định. Đơn cử, các loại trái cây nhập nhiều từ Thái Lan như xoài, sầu riêng, chôm chôm, me, măng cụt... đều là những loại quả có thể trồng ở nhiều địa phương trong nước. Hay trong số những loại trái cây nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, ngoài quả táo, lê trồng được hạn chế, các mặt hàng khác như lựu, cam, quýt, hồng, nho khá phổ biến ở Việt Nam.
Một lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho hay, các loại hoa quả của Việt Nam trồng khá phong phú, nhưng riêng cây lựu lại chưa có quy hoạch vùng trồng hàng hóa. Do đó, khi vào mùa lựu - khoảng 6 tháng cuối năm, trái cây này được nhập từ Trung Quốc về bán tràn ngập khắp các chợ khiến cho người tiêu dùng không phân biệt được đâu là hàng nội, đâu là hàng Tàu? Đánh giá về thực trạng trái cây Thái Lan “làm mưa làm gió” tại thị trường Việt Nam dù chúng ta cũng có sản phẩm tương tự, TS Võ Mai - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam chỉ ra, nông nghiệp Thái Lan được tổ chức theo nhóm, HTX, tạo ra các vùng nguyên liệu rộng lớn, áp dụng được công nghệ kỹ thuật hiện đại. Như vậy, vừa giảm được giá thành, lại đảm bảo nguyên liệu cho xuất khẩu. Trong khi đó, sản xuất trái cây trong nước còn nhỏ lẻ, manh mún nên sản lượng, mẫu mã vẫn còn nhiều hạn chế.
Chưa hết, việc phải nhập khẩu một lượng lớn rau quả hàng năm, chưa kể nhập theo đường tiểu ngạch khiến cho công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Đã có thời điểm, trái cây Trung Quốc “đội lốt” trái cây ngoại bán với giá cao ngất ngưởng trên thị trường dù chất lượng không tương xứng, khiến cho người tiêu dùng bức xúc. Rồi có thời điểm, hàng Trung Quốc lại phải dán mác trái cây Việt hòng lấy niềm tin về chất lượng sản phẩm để tiêu thụ được thuận lợi…
Có thể nói, cùng với nghịch lý xuất gạo, nhập ngô và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, câu chuyện của ngành hàng rau quả đang đặt ra cho ngành nông nghiệp bài toán cân đối xuất – nhập và tổ chức lại sản xuất, chế biến, bảo quản để làm sao có lợi nhất cho toàn ngành cũng như người tiêu dùng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần