Cần giải pháp căn cơ

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối cùng thì kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 đã kết thúc, khép lại một thời gian khá căng thẳng, nhiều áp lực không chỉ với các thí sinh, người thân mà với cả xã hội, đặc biệt là với ngành giáo dục.

Sau những hiện tượng tiêu cực, gian lận trong kỳ thi năm 2018 bị đưa ra ánh sáng, một trong những công việc mà ngành giáo dục và các đơn vị chức năng quan tâm là làm sao để có một kỳ thi nghiêm túc, trung thực, công bằng và an toàn.
Hơn một tháng trước thời điểm kỳ thi chính thức bắt đầu, ngày 11/5/2019, tại buổi gặp gỡ, cung cấp thông tin cho báo chí, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT, cho biết, kỳ thi năm 2019, Bộ điều chỉnh 9 vấn đề quan trọng nhằm chủ động phòng, ngừa, phát hiện các sai phạm, gian lận trong thi cử.
Ngay trước kỳ thi, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở GD&ĐT và các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan tập trung thực hiện tốt 7 công việc quan trọng, trong đó có nhiều biện pháp nhằm chống gian lận trong thi cử, bảo đảm một kỳ thi “sạch”. Báo chí, truyền thông cũng có nhiều tin, đề cập tới vấn đề này.
Bên cạnh tác động tích cực, những động thái trên vô hình trung đã làm kỳ thi thêm nóng, tạo thêm sức ép cho thí sinh và cha mẹ các em. Trong khi đó, một mục tiêu được đặt ra từ nhiều năm nay là làm sao để các kỳ thi nói chung, và đặc biệt là kỳ thi “hai trong một” này bớt căng thẳng, áp lực với thí sinh và cả xã hội.
Về lâu về dài, để đạt mục tiêu nói trên cần thực hiện những biện pháp căn cơ, giải quyết vấn đề từ gốc. Đó là các biện pháp mang tính chiến lược mà các chuyên gia đã nhiều lần chỉ ra như đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đổi mới cách dạy và học, làm tốt công tác hướng nghiệp phân luồng học sinh, đổi mới giáo dục đại học, dạy nghề... Làm sao để học sinh và cha mẹ các em nhận thấy rằng vào đại học không phải là con đường duy nhất có thể lựa chọn.
Nhân tiện cũng cần nhắc lại, đã quá lâu rồi chúng ta không có những tấm gương người thợ giỏi trở thành Anh hùng lao động, đại biểu Quốc hội như Nguyễn Thế Hùng, Thái Hiền Lương, Cù Thị Hậu… Tuyên truyền, biểu dương những thủ khoa đầu vào, đầu ra đại học là cần thiết và xứng đáng. Nhưng biểu dương, tôn vinh những người thợ trẻ, có tay nghề cao, cống hiến nhiều cho đất nước, xã hội cũng cần thiết, xứng đáng không kém.
Trở lại kỳ thi năm 2019. Với những nỗ lực để có một kỳ thi an toàn, đặc biệt là chống gian lận trong thi cử, có vẻ như chúng ta mới đang chỉ giải quyết phần ngọn, hay nói như trong ngành Y, mới đang chỉ chữa triệu chứng mà chưa điều trị căn nguyên của căn bệnh. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có thể thấy rõ nhất là thói chạy theo thành tích, hư danh vốn tồn tại nhiều năm qua, không chỉ ở ngành giáo dục. Học sinh nhất thiết phải vào đại học. Cha mẹ không hài lòng, thậm chí dằn vặt, tạo áp lực khi con mình thi trượt.
Nhà trường luôn lấy tỷ lệ học sinh khá, giỏi, đỗ đại học… như một bằng chứng về thành tích mặc dù nhiều khi những con số đó không phản ánh thực chất của việc dạy và học. Đó cũng là nguyên nhân khiến nảy sinh cách nghĩ, cách làm bằng mọi giá để con mình, học trò mình đặt được chân vào cổng trường đại học, kể cả gian lận, đút lót, hối lộ, mua bán… như chúng ta đã thấy và đang cố gắng để xóa bỏ một cách quyết liệt.
Thay đổi một cách căn bản cách nghĩ, cách làm, xóa bỏ tâm lý chạy theo thành tích, hư danh… cũng là một trong những giải pháp quan trọng để hướng tới mục tiêu giảm áp lực, trả lại cho các kỳ thi, trong đó có kỳ thi tốt nghiệp THPT mục đích, ý nghĩa vốn có của nó.