Cần hàng lang pháp lý chặt chẽ cho tín dụng tiêu dùng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - NHNN hiện đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện đang chuẩn bị một hành lang pháp lý hoàn chỉnh để “dẫn đường” cho hoạt động cho vay tiêu dùng. Qua đó, thúc đẩy lành mạnh hoạt động tín dụng tiêu dùng, góp phần đẩy lùi nạn “tín dụng đen”.

Mua xe máy, máy tính cho con cái học hành hoặc đơn giản chỉ là vay một khoản để trang trải nhu cầu đột xuất, không phải ai cũng tiếp cận được với dịch vụ cho vay tiêu dùng của các ngân hàng, bởi họ không chứng minh được khả năng trả nợ với các ngân hàng. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều người dân phải tìm đến “tín dụng đen”. Hậu quả, nhiều người mất nhà cửa, gia đình ly tán. Tại nhiều vùng nông thôn, niềm tin vào dịch vụ cho vay này cũng vơi dần sau mỗi lần vỡ hụi và tín dụng đen.
Các công ty tài chính đã tiếp cận được tới hàng triệu khách hàng.
Các công ty tài chính đã tiếp cận được tới hàng triệu khách hàng.
Nhà bà Dương Thị Mỳ (Ý Yên, Nam Định) có con mới đỗ đại học, bà muốn vay mượn mua để sắm cho con một chiếc máy tính làm công cụ học tập nhưng chưa biết vay ở đâu. Tiền thu nhập từ bán rau mỗi ngày không được là bao, nên bà khó chứng minh được thu nhập nếu muốn vay ngân hàng.

Hơn nữa khoản vay không lớn, lại phải chuẩn bị không ít các giấy tờ lằng nhằng nên bà từ bỏ ý định tìm tới các ngân hàng. Nguồn vay “chợ đen” bà cũng không dám nghĩ tới do mức lãi suất quá cao.

Cũng có nhu cầu mua một chiếc máy tính giống bà Mỳ, nhưng không thể bỏ ra một lúc 12 triệu đồng để mua, gia đình anh Phan Quang Hưng (Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã tìm tới tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính theo phương thức trả góp hằng tháng.

Thực tế, hoạt động tín dụng tiêu dùng đã xuất hiện trên thị trường từ vài năm trở lại đây, với mục tiêu hướng tới đối tượng là các khách hàng dưới chuẩn duyệt vay tiêu dùng của các ngân hàng.

Được biết, trên thị trường hiện đã có 6 công ty tài chính và một số ngân hàng thương mại hoạt động trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, việc quảng bá dịch vụ mới chỉ ở những khu đô thị, vùng ven đô chứ chưa được mở rộng ra vùng nông thôn – nơi nhu cầu tiếp cận vốn của người dân khá lớn.

Tuy mới hoạt động mạnh trong một vài năm trở lại đây nhưng các công ty tài chính đã tiếp cận được tới hàng triệu khách hàng, dư nợ mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Khác với ngân hàng chỉ cho vay với các đối tượng đạt chuẩn, các công ty tài chính cung cấp các khoản vay nhỏ, không cần tài sản đảm bảo, phục vụ nhu cầu mua sắm trang thiết bị gia đình hoặc tiền mặt phục vụ nhu cầu đột xuất, nhiều khoản vay thậm chí có thể giải ngân chỉ trong 24 giờ.

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN cho rằng, để từng bước đẩy lùi tín dụng đen đang trở thành vấn nạn tại các làng quê, sự ra đời của các công ty tài chính tiêu dùng là một đòi hỏi tất yếu! Không chỉ là một trong những phương tiện tốt nhất để giúp cho người dân có thể mua sắm tài sản, mà các định chế về tài chính tiêu dùng sẽ là một trong những tác nhân tốt để hạn chế cho vay nặng lãi trong nền kinh tế Việt Nam.

Nhằm thúc đẩy hoạt động tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh, đẩy lùi tín dụng đen, NHNN hiện đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng. Đây sẽ là một hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính, giúp các công ty tài chính hướng đến đối tượng khách hàng dưới chuẩn một cách hiệu quả và lành mạnh.