Cần hỗ trợ về công cụ đánh giá hoạt động trải nghiệm từ các chuyên gia

Trung Anh ghi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong chương trình giáo dục phổ thông mới, ở các môn học đối với học sinh (HS), liệu có đánh giá được năng lực HS đang là băn khoăn không chỉ ở các bậc phụ huynh mà ngay cả người trong ngành.

Theo bà Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), việc đánh giá năng lực thông qua kết quả hoạt động không dễ dàng, đòi hỏi giáo viên phải đánh giá thường xuyên qua quan sát hành vi, qua thu thập minh chứng và sản phẩm khác nhau của HS trong suốt quá trình hoạt động theo thời gian.

Bà Nhiếp cho rằng, chương trình môn học mới với hoạt động trải nghiệm sáng tạo được tổ chức thông qua sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề và hoạt động câu lạc bộ, đã có cách tiếp cận mới hơn. Bốn nhóm hình thức tổ chức: Hình thức có tính khám phá (thực địa – thực tế, tham quan, cắm trại, trò chơi,...); hình thức có tính thể nghiệm, tương tác (diễn đàn, giao lưu, hội thảo, sân khấu hóa,...) được nói đến trong chương trình không phải là điểm mới nhưng việc phân loại và yêu cầu các nhà trường lựa chọn một số hình thức tổ chức trên là điểm mới, điểm nhấn để nhà trường linh hoạt tổ chức các hoạt động trải nghiệm.

Tuy nhiên, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa cũng cho rằng, hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong chương trình mới, nếu không yêu cầu bắt buộc đánh giá đối với từng HS như các môn học thì bản thân giáo viên, gia đình và HS sẽ không coi trọng hoạt động này. Và như vậy, sẽ không thể hoàn thành mục tiêu giáo dục. "Để các trường thực hiện tốt hoạt động trải nghiệm, theo tôi, rất cần sự hỗ trợ về công cụ đánh giá hoạt động trải nghiệm từ các chuyên gia, để việc đánh giá được khách quan và giáo viên không quá vất vả" - bà Nhiếp chia sẻ.