Cần hướng tiếp cận mới trong sửa đổi bổ sung Luật Đặc xá

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá năm 2007 để phù hợp với thực tiễn, đó là quan điểm được đưa ra khi Ủy ban Tư Pháp của Quốc hội thảo luận về thi hành Luật Đặc xá và định hướng sửa đổi, bổ sung.

Cần thiết sửa Luật
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Luật, Luật Đặc xá được Quốc hội (Khóa XII) thông qua năm 2007, có hiệu lực từ 1/3/2008, đã thể chế hóa quan điểm, chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội.
 Công bố quyết định đặc xá cho phạm nhân tại một trại giam tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Thời gian qua, việc thi hành Luật Đặc xá bảo đảm các yêu cầu về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, đối ngoại. Nhưng trong quá trình thực thi đã bộc lộ một số hạn chế so với nhiều quy định mới của Hiến pháp năm 2013, các luật hiện hành. Nhiều quy định của Luật cũng chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai. Vì vậy, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2018 việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá. Dự kiến, dự án luật này sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Đặc xá vẫn còn sự chưa đồng thuận với việc tha trước thời hạn phạt tù cho phạm nhân mà không có điều kiện, chế định pháp lý ràng buộc, nên tính nghiêm minh của pháp luật không cao. Luật hiện hành chưa có nội dung quy định về điều kiện tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị đặc xá đối với người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù… Do đó, cần thiết phải sửa đổi bổ sung Luật Đặc xá để phù hợp với thực tiễn và bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Chặt chẽ hơn

Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung theo hướng chặt chẽ hơn điều kiện tha tù trước thời hạn có điều kiện, được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015; quy định cụ thể chặt chẽ những trường hợp không đề nghị đặc xá. Quy định trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị đặc xá phù hợp với thực tiễn; bổ sung trách nhiệm của chủ thể thực hiện nhiệm vụ đặc xá…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Hồng cho rằng, lần sửa đổi bổ sung hoàn thiện pháp luật về đặc xá này cần có cách tiếp cận mới, bảo đảm quyền cơ bản của con người. Phải lưu ý tính chất đặc thù của đặc xá, không thể đánh đồng đặc xá với tha tù trước thời hạn có điều kiện. Đặc xá là quyền của Chủ tịch nước, quyết định khi thấy cần thiết căn cứ vào tình hình chính trị xã hội, yêu cầu đối nội đối ngoại và trong một số trường hợp đặc biệt. Nếu quy định điều kiện tiêu chuẩn của đặc xá chặt chẽ, nghiêm khắc hơn quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện là bất hợp lý. Đồng thời, cần hướng tới quy định đặc xá là hãn hữu, Chủ tịch nước cân nhắc quyết định khi thấy cần thiết, thay vì quy định cụ thể thời điểm xét đặc xá.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nên coi đặc xá là đặc thù và nên mở rộng điều kiện tiêu chuẩn xét đặc xá thay vì quy định khắt khe hơn so với chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện trong Bộ luật Hình sự. Từ đó, xem xét sửa đổi các điều kiện xét đặc xá như phạm tội lần đầu, đánh giá xếp loại cải tạo tốt hay khá, thủ tục xét đặc xá… theo hướng mở rộng; đề cao vai trò của Chủ tịch nước quyết định xem xét đặc xá là trường hợp đặc biệt, tạo động lực khuyến khích phạm nhân phấn đấu cải tạo. Đồng thời, cần tiến hành rà soát bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Sau 10 năm thi hành Luật Đặc xá (tính từ năm 2009), Chủ tịch nước đã 7 lần ban hành Quyết định đặc xá cho 87.020 phạm nhân và 1.123 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.