“Cần, kiệm, liêm, chính” là tiêu chuẩn đặc biệt của Đại biểu Nhân dân

Hà Bình (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoài vấn đề cơ cấu, bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu (ĐB), phải nâng cao chất lượng của ĐB, những người được chọn phải có phẩm chất đạo đức, năng lực đại diện được tiếng nói của dân.

Đó là quan điểm được ông Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam) khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị quanh vấn đề về tiêu chuẩn ứng cử viên cho cuộc bầu cử ĐB Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Chất lượng đại biểu là trọng tâm

Là người gắn bó với các bước chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐB Quốc hội, HĐND lần này, ông đánh giá thế nào về những điểm mới trong các quy định liên quan đến công tác lựa chọn người ứng cử?

- Trước hết, chúng ta phải đề cập đến một điểm mới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là yêu cầu đổi mới, chỉnh đốn cả hệ thống chính trị, bảo đảm bộ máy hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn. Như vậy, Nhà nước cũng phải theo tinh thần của nghị quyết, phải xây dựng, củng cố, chỉnh đốn, làm trong sạch, vững mạnh bộ máy.
Bởi thế, một trong những yêu cầu được đặt ra tại kỳ bầu cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 là phải giới thiệu, lựa chọn, bầu được những ĐB thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng ĐB làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.
 Ông Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam)
Tôi nghĩ, đây cũng là vấn đề luôn được quan tâm trong các kỳ bầu cử. Để trở thành người ĐB trong cơ quan quyền lực cao nhất ở T.Ư và địa phương, trước hết mỗi ứng cử viên (người được giới thiệu ứng cử hoặc tự ứng cử), phải tôn trọng các tiêu chuẩn được quy định trong các văn bản pháp luật, đồng thời phải thực sự tiêu biểu về năng lực, đạo đức. Các tiêu chuẩn ĐB đã được thể hiện rõ Hướng dẫn 36-HD/BTCTW của Ban Tổ chức T.Ư về công tác nhân sự ĐB Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong đó, có những quy định cụ thể như trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp; có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội; liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm...

Các tiêu chuẩn đều rất quan trọng, nhưng tôi đặc biệt quan tâm đến tiêu chuẩn “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Tiêu chuẩn đó rất cần lưu ý, đặc biệt trong thời điểm hiện nay khi những mặt trái của cơ chế thị trường đang hiện hữu, tình trạng tham nhũng, chạy chức, chạy quyền đã giảm nhưng chưa được triệt tiêu hẳn. Do đó, nhấn mạnh đến tiêu chí này để thực sự chọn được người có tâm, có tầm, có đức. Và kiên quyết không giới thiệu ứng cử những người không xứng đáng, sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu…

Tại vòng hiệp thương lần hai vừa qua, vấn đề chất lượng và tiêu chuẩn của những người được giới thiệu ứng cử được đặc biệt quan tâm. Tiêu chuẩn, chất lượng ĐB được đặt lên hàng đầu, xem trọng hơn nhiều so với cơ cấu. Đây cũng là yếu tố then chốt cho thành công của mỗi cuộc bầu cử.

Trong các điều kiện về năng lực, phẩm chất, tiêu chuẩn, có nhấn mạnh việc các ĐB cơ quan dân cử phải có bản lĩnh, "dám nói". Ông nghĩ sao về điều này?

- Đúng vậy. Chúng ta soi lại chất lượng ĐB Quốc hội trong những khóa đã qua, có thể nói rằng rất nhiều ĐB có trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, được Nhân dân ghi nhận, tín nhiệm. Không ít ĐB được chọn có phẩm chất đạo đức, năng lực đại diện được tiếng nói của dân, dám đấu tranh với những tiêu cực, sai trái, nhất là với những ĐB chuyên trách. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Quốc hội XIV này, khi chuyển từ “Quốc hội tham luận” sang “Quốc hội tranh luận” như vẫn nói, thì yếu tố “dám nói” đặc biệt quan trọng và đã thể hiện rõ nét hơn.

Nhưng nhìn ở một góc khác, chúng ta không thể chỉ tính đến những ĐB hay phát biểu trên hội trường, thực tế có rất nhiều ĐB tại các cuộc thảo luận tổ đã phát biểu, đưa ra ý kiến rất hay, sâu sắc, chỉ là cử tri chưa nhìn thấy điều đó. Do đó, đã là ĐB của cơ quan dân cử, thì phải “dám nói” những điều cử tri mong muốn, truyền đạt được ý nguyện của cử tri đến nghị trường. Tôi mong muốn tinh thần này từ Quốc hội khóa XIV sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa.

Người có trách nhiệm lựa chọn cũng cần sự công tâm

Các ĐB chuyên trách là một lực lượng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của Quốc hội cũng như HĐND các cấp, vậy có những điểm gì cần lưu ý trong giới thiệu người ứng cử với lực lượng này, thưa ông?

- Chỉ nói riêng ở Quốc hội, nhiệm kỳ tới, mục tiêu tăng số lượng ĐB chuyên trách rất đúng đắn, điều đó sẽ góp phần giúp Quốc hội thực sự là một cơ quan bao gồm những chuyên gia giỏi trên mọi lĩnh vực. Tăng số lượng ĐB Quốc hội chuyên trách, công tác xây dựng pháp luật cũng như việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước sẽ được nâng cao. Trong các ủy ban của Quốc hội phải có những chuyên gia thật giỏi làm nòng cốt, chính những chuyên gia đó là những người chuyên trách, chuyên nghiệp về những lĩnh vực mà họ được đảm nhiệm.

Do đó, người được giới thiệu phải là chuyên gia giỏi trên từng lĩnh vực khác nhau, để bảo đảm có đủ khả năng đưa ra những phản biện sắc sảo về mặt chuyên môn trước các dự thảo, nghị định, các quy định pháp luật của bộ, ngành. Năng lực phản biện của ĐB sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng được các quy định thực tế, xuất phát từ cuộc sống và phù hợp với nguyện vọng của đông đảo tầng lớp Nhân dân. Đặc biệt trong hoạt động lập pháp, những luật mới, tư duy mới, nếu ĐB không có năng lực, tầm nhìn, không có kiến thức thì khó đưa ra các quyết định đúng đắn.

Hiện MTTQ các cấp đang phối hợp tổ chức lấy ý kiến cử tri với người ứng cử, chuẩn bị cho hiệp thương lần thứ 3, theo ông, đâu là vấn đề cần lưu ý để thực sự lựa chọn được những ứng viên xứng đáng nhất?

- Trong các quy định lần này, có bổ sung quy định mới, nếu ứng cử viên không đạt được trên 50% tổng số cử tri tham dự hội nghị tiếp xúc giới thiệu thì không được đưa vào danh sách hiệp thương lần 3. Trong đó, tất cả những ai được giới thiệu ứng cử hay tự ứng cử, người ngoài Đảng hay đảng viên đều bình đẳng như nhau, đều phải nhận được đủ sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác cũng như nơi cư trú theo đúng quy trình. Đây cũng là một trong những khâu quan trọng để rà soát, phát hiện những người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Qua các hoạt động tiếp xúc sau các vòng hiệp thương, người dân theo dõi, nhận xét, đánh giá, là một cơ sở, căn cứ để lựa chọn ứng cử viên.

Bởi vậy, trong quá trình tổ chức, rất cần sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước với MTTQ các cấp thật chặt chẽ, làm đến nơi đến chốn. Các ĐB tham gia hiệp thương phải công tâm, khách quan trong lựa chọn ứng cử viên trên cơ sở tiêu chuẩn và thực tiễn. Hay nói khác đi, những người tham gia vào công tác chuẩn bị cũng cần “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, nếu vướng một vấn gì sẽ dẫn đến “hỏng”.

Xin cảm ơn ông!

"Trên thực tế, đã từng có hiện tượng mượn danh ĐB Quốc hội hay HĐND để đánh bóng tên tuổi, làm ĐB chỉ để nổi danh chứ không vì muốn cống hiến, đóng góp giúp dân, giúp nước. Có cả trường hợp vào Quốc hội chỉ vì lợi ích của mình, lợi ích cho DN. Trong các nhiệm kỳ vừa qua, đã có người bị Quốc hội bãi nhiệm tư cách ĐB. Vì điều này đã xảy ra, cho nên bước vào cuộc bầu cử lần này, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam các cấp trong việc hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử rất nặng nề." - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Túc

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần