Sai phạm thi ở Hòa Bình: Phải mở rộng điều tra xem sửa điểm vì vụ lợi hay chỉ đạo

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trưa nay (3/8), trao đổi với phóng viên về việc sửa điểm, nâng điểm thi ở Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hòa Bình, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) Lê Viết Khuyến cho rằng phải mở rộng điều tra xem sửa điểm vì vụ lợi hay chỉ đạo của kênh nào đó.

Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Lê Viết Khuyến.
Thưa ông, sáng 3/8, Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án gian lận điểm thi ở Hòa Bình. Theo ông, khi việc điều tra được làm rõ thì sẽ phải xử lý thế nào đối với những người vi phạm?
- Trong trường hợp đối tượng chủ động sửa điểm vì vụ lợi thì phải làm rõ hệ thống quản lý, giám sát thế nào để người ta có thể sửa được điểm thi. Đương nhiên, Sở GD&ĐT Hòa Bình, Hội đồng thi Hòa Bình mà người đứng đầu là Phó Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm. Bởi vì, quy trình đã có, nhưng khi thực hiện đã không đảm bảo để một số đối tượng tự tung tự tác muốn làm thế nào thì làm.
Nhưng nếu như đối tượng lại làm theo chỉ đạo của một kênh nào khác về mặt tổ chức thì mở rộng ra điều tra, khai thác. Lúc này vấn đề nghiêm trọng hơn, có nhiều người liên quan hơn, thậm chí là những người cấp cao đã tham gia chỉ đạo làm, không phải chỉ những người sửa điểm phải chịu trách nhiệm.
Ông có nhận định gì khi dư luận đặt ra câu hỏi, trước đó Bộ GD&ĐT đã chấm thẩm định bài thi của Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hòa Bình nhưng không phát hiện ra dấu hiệu sửa điểm?
- Nguyên tắc chấm thẩm định là chỉ chấm vài chục phần trăm, chọn một số bài có điểm thi nào đó để chấm. Tôi nghĩ, có khi lúc Bộ chấm thẩm định lại không rơi vào những bài có vấn đề. Hoặc, có thể Bộ GD&ĐT đã chấm những bài đã bị người ta sửa rồi. Bởi cho dù chấm trắc nghiệm bằng máy nhưng họ sửa trên Phiếu trả lời trắc nghiệm từ trước khi đưa vào máy để quét chấm thì không thể phát hiện ra được.
Nhưng ở đây có dấu hiệu tố cáo, người ta lật ra chấm lại thì mới phát hiện ra.
Ông có bình luận gì khi Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình Nguyễn Đức Lương trả lời là không nằm trong Hội đồng chấm thẩm định nên không phát hiện bất thường điểm thi?
- Điều này thể hiện quy trình mới bắt đầu hé mở, chứ không phải công khai hóa hoàn toàn. Có thể Giám đốc Sở chỉ đạo hoặc có thể ông vô can. Hoặc, nếu ông Phó Giám đốc Sở biết chuyện thì cũng không nói ra vì không có tang chứng, vật chứng. Nói cho cùng, quy trình năm nay có tiến bộ hơn nhưng chưa công khai hóa hoàn toàn.
Ông có thể nói rõ hơn về việc công khai hóa hoàn toàn?
- Công khai hóa hoàn toàn là có giám sát xã hội, chứ không giới hạn nội bộ. Nghĩa là, thành phần giám sát không chỉ ở trong hệ thống Bộ GD&ĐT, Công an mà có cả bên ngoài gồm đại diện HĐND, hội cha mẹ học sinh, giới truyền thông.
Thứ hai, là quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Khi có tiêu cực, gian lận trong thi cử xảy ra ở địa phương thì người đứng đầu tỉnh, thành đó phải chịu trách nhiệm. Cho đến bây giờ, tiêu cực xảy ra ở Hội đồng thi Hà Giang, Sơn La nhưng không thấy người đứng đầu địa phương nào xin lỗi, ai cũng chối phắt đi. Kể cả ông Triệu Tài Vinh - Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang trả lời phản cảm là có ai đó làm hại bố con ông Bi thư. Lẽ ra, ông Bí thư phải xin lỗi, nhận lỗi về chuyện xảy ra ở địa phương mình. Không chỉ thế, con gái của ông Bí thư cũng nằm trong số có bài thi bị nâng điểm thì càng phải xin lỗi.
Đến nay, đã phát hiện và khởi tố vụ án tiêu cực xảy ra tại 3 địa phương (Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình). Theo ông, liệu kỳ thi sang năm có triệt tiêu được tiêu cực?
- Tôi muốn nói 2 vấn đề. Thứ nhất, những năm trước có tiêu cực nhưng quy trình khép kín, chỉ có giám sát nội bộ chứ không có công khai hóa như năm nay. Khi công khai hóa mới bị “lòi đuôi”. Đó là dấu hiệu tích cực.
Thứ hai, khi đã phát hiện ra thì phải xử lý rốt ráo, làm triệt để chứ không phải đóng cửa bảo nhau… Tội không phải ở mấy người bắt quả tang trực tiếp mà phải bắt họ khai ra đường dây, động cơ thì đó mới là làm triệt để. Khi làm triệt để thì phải xử lý.
Nếu lỗi xảy ra thuộc về quản lý hệ thống, đề thi, quy trình thì người đứng đầu ngành giáo dục là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phải chịu trách nhiệm xử lý. Nếu liên quan đến việc triển khai ở địa phương, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm trước dân, trước Chính phủ.
Đồng thời, chuyển từ giám sát khép kín sang giám sát xã hội thì mới có thể khắc phục được.
Xin cảm ơn ông!