Cần lực đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Hà Nội

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 1/12, Sở Công Thương Hà Nội và Hiệp hội các DN ngành Công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (Hansiba) tổ chức Hội nghị giới thiệu cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Chính phủ; tổ chức kết nối giữa các DN FDI với DN CNHT trên địa bàn thành phố.

Theo số liệu của HANSIBA hiện ngành chế tạo ô tô tỉ lệ nội địa hóa khoảng 5-20%; ngành điện tử 5-10%; da giày, dệt may 30%; ngành cơ khí chế tạo tỷ lệ nội địa hóa khoảng 15-20%. Đặc biệt, Việt Nam chỉ có khoảng 0,3% trong tổng số gần 500.000 DN đang tham gia vào sản xuất chế tạo cho ngành CNHT.
 Toàn cảnh hội nghị.
Tại hội nghị, DN ngành CNHT nêu rõ trong quá trình phát triển hệ thống CNHT, nguồn lực DN còn hạn chế, cơ chế chính sách hỗ trợ DN chưa kịp thời… Để CNHT phát triển các DN kiến nghị, nhà nước, UBND TP nên có thêm các chương trình xúc tiến, kết nối giao cụ thể, trong đó, các cơ quan quản lý làm cầu nối đồng thời giám sát việc thực hiện kết nối này.

Trước kiến nghị của DN, đại diện Sở Công Thương đã nêu rõ: để phát triển ngành CNHT UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 6743/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển CNHT trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020, định hướng 2025.
Theo đó đến năm 2020 Hà Nội sẽ có khoảng 900 DN chuyên sâu về CNHT, trong đó có 40% DN có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt chuẩn quốc tế. Đồng thời hàng năm UBND TP sẽ tập trung hỗ trợ cho các DN, kết nối các DN Việt Nam với các DN nước ngoài. Thu hút, kêu gọi các DN đầu tư vào CNHT. Hỗ trợ DN Việt Nam trong việc quản lý, quản trị quốc tế, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng chuyển giao công nghệ. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để tạo điều kiện phát triển cho các DN CNHT.
Bên cạnh đó, UBND TP phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trung ương trong việc triển khai các chính sách về phát triển CNHT đồng thời kiến nghị để có những chính sách đặc thù phù hợp và tận dụng tiềm năng phát triển của Thủ đô.