Cần lượng hóa đánh giá thể thao Hà Nội

Nhà báo Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội dành 118 từ để đánh giá thể thao Thủ đô. Phần mục tiêu, nhiệm vụ và những trọng tâm phát triển đô thị giai đoạn 5 năm 2020 - 2025 đã đề cập đến những nhiệm vụ cho thể thao Hà Nội.

"Cần có sức khỏe mới làm thành công”
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức khỏe có vai trò to lớn trong cuộc sống của mỗi người, mỗi dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người nhận định: "Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công". Sức khỏe của con người là nhân tố cơ bản góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp về thể lực trong cách mạng, đưa đến những thắng lợi vĩ đại của Nhân dân ta.
Không cần nói nhiều, người ta cũng có thể đánh giá được vai trò của thể thao đối với việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân. Dự thảo báo cáo đánh giá: “Thể dục, thể thao được đẩy mạnh, đóng góp nổi bật vào phong trào chung của cả nước. Hà Nội giữ vững vị trí là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thể thao thành tích cao, giành nhiều huy chương nhất cho thể thao Việt Nam tại các giải quốc tế.
 Đoàn thể thao Hà Nội tham dự Đại hội Thể dục, thể thao toàn quốc lần thứ VIII. Ảnh: Phạm Hùng
 Thể thao quần chúng được quan tâm, đầu tư phát triển, nhất là việc xây dựng, lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời tại các điểm công cộng. Luyện tập thể dục và tham gia hoạt động thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe đã và đang phát triển mạnh, trở thành nhu cầu tự giác trong Nhân dân”.
Theo tôi và khá nhiều chuyên gia thể thao, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội cần có định lượng thành tích của thể thao Hà Nội, cả thể thao thành tích cao đang dẫn đầu cả nước lẫn phong trào thể thao quần chúng. Khi đánh giá cần bám vào Thông tư số 01/2019/TT-BVHTTDL quy định chi tiết việc đánh giá phong trào thể dục, thể thao quần chúng bằng các tiêu chí số người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên, số gia đình thể thao, số cộng tác viên thể dục, thể thao, số câu lạc bộ thể thao, số công trình thể thao, số giải thể thao tổ chức hàng năm.
Công bằng mà nói, chỉ tiêu số công trình thể thao của Hà Nội trong 5 năm qua còn quá khiêm tốn so với tốc độ đô thị hóa của Thủ đô. Các sân tập thể dục, thể thao cho người dân tại các khu đô thị mới còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, cần phải đưa vào báo cáo, chỉ rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Nên định lượng bằng các con số cụ thể
Trong 20 chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2020 - 2025 có 6 chỉ tiêu về kinh tế, 7 chỉ tiêu về văn hóa - xã hội, 4 chỉ tiêu về đô thị, môi trường và 3 chỉ tiêu về xây dựng Đảng. Phần mục tiêu, nhiệm vụ và những trọng điểm phát triển đô thị giai đoạn 5 năm 2020 - 2025, Dự thảo thiết kế 342 từ, kết cấu riêng phần 7.3 "Phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao, tiếp tục nâng cao thể chất người Hà Nội”: “Đẩy mạnh phát triển thể dục, thể thao quần chúng, nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô, nhất là thế hệ trẻ. Mở rộng các phong trào thể dục, thể thao, các loại hình tập luyện, thi đấu; thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Củng cố vững chắc vị trí dẫn đầu cả nước về thể thao thành tích cao…
Đầu tư nâng cấp, xây mới và sử dụng có hiệu quả các thiết chế thể dục, thể thao; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công SEA Games 31, Para Games 11 năm 2021 và Giải đua F1 hàng năm. Đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư cơ sở vật chất, các dịch vụ thể dục thể thao; tăng cường hợp tác quốc tế, tiến tới đăng cai tổ chức một số giải thể thao có uy tín và tầm cỡ quốc tế. Tăng cường quản lý, phát huy hiệu quả các công trình thể thao, các trung tâm thể dục, thể thao ở các quận, huyện, thị xã...”.
Như vậy, so với các lĩnh vực khác của Hà Nội trong Dự thảo Báo cáo, phần về thể thao chưa được đầu tư đúng mức, thể hiện chung chung một vấn đề không nhỏ của đời sống xã hội người dân Thủ đô. Nhất là khi trong thời gian tới, Hà Nội được giao tổ chức chính SEA Games 31, Para Games 11, ngoài chuẩn bị cơ sở vật chất, việc chuẩn bị công tác chuyên môn cũng nặng nề không kém.
Việc thể dục, thể thao Hà Nội không có mặt trong 20 chỉ tiêu phát triển nhiệm kỳ 2020 - 2025 của TP sẽ khiến cho chúng ta khó lòng đánh giá được bước phát triển của một lĩnh vực quan trọng của bất cứ địa phương, quốc gia nào. Những nhà quản lý thể thao, các HLV, VĐV và người dân Hà Nội thấy ban soạn thảo cần phải lượng hóa và xem phát triển thể dục, thể thao như một phần không thể thiếu khi xây dựng hình ảnh công dân Thủ đô, nét đẹp của người Tràng An.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần