Cần một lời xin lỗi

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 12/2017/TT - BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

 Với việc thay đổi một số quy định, trong đó, bãi bỏ quy định bắt buộc phải đổi bằng lái PET. Những quy định mới tại thông tư nêu trên đã được dư luận hoan nghênh, đánh giá cao, bởi đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết.
Trước đó, vào cuối năm 2016, chỉ một quy định bắt buộc đổi cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ bìa giấy sang vật liệu PET trước ngày 31/12/2016, Thông tư số 58/2015/TT - BGTVT đã khiến hàng chục vạn người phải hoang mang, rối bời, xếp hàng rồng rắn từ 5 giờ sáng tại các điểm để làm thủ tục cấp đổi GPLX.  Ngay sau đó, Thông tư này đã bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” nhưng dư luận vẫn nhiều bức xúc. Bộ GTVT thì lý giải đó chỉ là giải pháp để quản lý, tránh tình trạng sử dụng giấy phép giả nhưng Bộ Tư pháp khẳng định, việc bắt buộc người dân phải đi đổi GPLX còn thời hạn sử dụng là không có căn cứ pháp lý. Còn về phía người dân, đặc biệt là những người phải bỏ công, bỏ việc, phải tốn phí cho tấm bằng lái xe thì quy định ấy đã kịp gây ra cho họ biết bao phiền toái lẫn ức chế.
 Điều đáng nói, trước dư luận trái chiều về Thông tư 58/2016,  Bộ GTVT đã rất cầu thị, lắng nghe người dân và mới đây đã có những điều chỉnh hợp với lòng dân bằng Thông tư 12/2017, bãi bỏ hoàn toàn quy định bắt buộc đổi GPLX sang vật liệu PET trước thời điểm 31/12/2016.
Tại Điều 37 Thông tư này nêu rõ, “Việc đổi GPLX bằng giấy bìa sang GPLX bằng vật liệu PET được khuyến khích thực hiện trước ngày 31/12/2020”. Như vậy việc chuyển đổi GPLX là khuyến khích chứ không bắt buộc như quy định cũ. Mà thực tế, sự khuyến khích bao giờ cũng dễ được chấp nhận và thực thi hơn một mệnh lệnh hành chính.
 Ngoài quy định về việc chuyển đổi GPLX, Thông tư 12 còn có một số điểm mới rất tích cực. Ví như quy định cho phép người có GPLX hạng E đủ 55 tuổi đối với nam và 50 tuổi đối với nữ, có nhu cầu tiếp tục lái xe, nếu đủ sức khỏe theo quy định, được xét đổi GPLX từ hạng D trở xuống. Quy định này đã tạo điều kiện cho không ít người hành nghề lái xe, đặc biệt là nam giới, khi hết tuổi nhưng vẫn còn đủ năng lực được tiếp tục cấp GPLX.
Một số ý kiến cho rằng, Thông tư 12 đã sửa được cái sai cũ, thêm vào những quy định tích cực hơn, sát với thực tế hơn, nhưng Bộ GTVT vẫn cần có một lời xin lỗi với người dân. Hơn thế nữa, Bộ GTVT phải có hình thức xử lý kỷ luật đối với những người “chấp bút”, người tham mưu ban hành quy định sai, gây ra hệ lụy thực tế cho xã hội.
Vẫn biết, một lời xin lỗi chân thành, quy rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh là cần thiết; nhưng quan trọng hơn cả là tập thể Bộ GTVT cần ý thức thật rõ vai trò, trách nhiệm của mình, thận trọng với từng quyết định, từng điều luật để không lặp lại những sai lầm như đã từng xảy ra với Thông tư 58/2015/TT - BGTVT.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần