Cần một sự quyết liệt

Duy Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong nhiều thập kỷ, chúng ta quyết liệt không tăng hoặc đúng hơn là giảm dân số theo chủ trương kế hoạch hóa gia đình.

Để thực hiện điều này, nhiều nơi đã loại ra khỏi biên chế, khai trừ khỏi Đảng và áp dụng nhiều biện pháp khác với những người không thực hiện. Ai đó cho rằng, đó là một sự quá đáng, nhưng nhờ đó, từ một nước dân số hỗn loạn, ta có một nước dân số tương đối đồng đều, phù hợp với phát triển kinh tế, có thể kế hoạch được khoảng vài chục năm làm cơ sở cho những kế hoạch khác.
 Ảnh minh họa
Nhưng thành tích của giai đoạn này chưa hẳn đã là ưu điểm của giai đoạn khác. Với nhiều biến đổi về đời sống xã hội, chủ trương về dân số phải khác. Ngày nay trên toàn thế giới, dân số lý tưởng là dân số phù hợp với sự phát triển. Mong ước của mọi quốc gia là dân số trong độ tuổi lao động, được giáo dục, đào tạo kỹ cả về văn hóa và tay nghề, thể chất. Không phải ngẫu nhiên mà Hội nghị T.Ư 6 Khóa XII đã dành thời gian lớn để bàn về dân số, từ thành tựu khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số, đạt và duy trì mức sinh thay thế, tiến tới giải quyết toàn diện các vấn đề về qui mô, cơ cấu, chất lượng, phân bố dân số… hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội. Để một chủ trương về dân số phát huy hiệu quả, phải ít nhất từ 1,5 đến 2 thập kỷ. Nước ta từ năm 2007 đã bước vào thời kỳ dân số vàng, đến ngoài 2020, đã vào giai đoạn dân số già. Bàn là vừa!

Việt Nam là một trong 5 nước có tỷ lệ già hóa nhanh nhất thế giới, thời gian “dân số vàng” chỉ trong vài thập kỷ. Ngay trong thời gian dân số vàng, thì qui mô dân số không hợp lý, phân bố dân số theo vùng, cơ cấu dân số mất cân đối, chất lượng dân số thấp... Với thực trạng đó, để chủ động về dân số trong thời kỳ đang phát triển, Việt Nam phải thế nào? Một là, tiếp tục chủ trương cũ nhưng linh hoạt hơn, bớt ngặt ngèo hơn, đồng thời bổ khuyết những mặt yếu còn tồn tại như nơi sinh ít sẽ khuyến khích sinh nhiều hơn, giảm tỷ lệ chết, suy dinh dưỡng sau khi sinh, đẩy mạnh đào tạo nghề, điều tiết tỷ lệ giới tính khi sinh, phát triển kinh tế cân đối ở các vùng miền. Hai là, giữ nguyên như cũ do nước ta còn nghèo, kinh tế chưa phát triển, tức là giảm mức sinh, kiểm soát tăng dân số, đồng thời làm tốt những việc chưa làm được để nâng cao chất lượng dân số. Thứ ba là xóa bỏ tất cả các chính sách về dân số gia đình đã làm, giáo dục Nhân dân và cán bộ cần có việc làm mới, chủ trương mới do hoàn cảnh đã thay đổi. Nếu áp dụng phương án ba, dân số Việt Nam sẽ tăng rất nhanh, cả người già và người trẻ, con đường phát triển sẽ hưởng rất nhiều thuận lợi từ thời kỳ dân số vàng lẫn những khó khăn trở ngại của thời kỳ dân số già.

Mỗi phương án đều có ưu điểm và nhược điểm, có thuận lợi và khó khăn nhưng hình như không phương án nào hoàn chỉnh. Vấn đề là mỗi người, trước vấn đề rất lớn của dân tộc sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm của mình thế nào.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần