Cân nhắc thận trọng việc xuất khẩu gạo

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/3, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương và các bộ, ngành cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu vừa qua; Đồng thời yêu cầu các bộ chịu trách nhiệm bảo đảm cung ứng gạo cho Nhân dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh hiện nay.

Bám sát nhu cầu thị trường
Như Kinh tế & Đô thị đã đưa tin, ngày 24/3, Tổng cục Hải quan ra thông báo việc dừng thông quan các lô hàng gạo nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, trong văn bản vừa ban hành, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho hoãn việc áp dụng dừng xuất khẩu gạo từ 0 giờ ngày 24/3. Đề nghị này của Bộ Công Thương đưa ra trên cơ sở phản ánh của các DN.
Cũng theo Bộ này, việc tạm dừng việc ngừng xuất khẩu gạo là cần thiết để các đơn vị đánh giá lại sản lượng thực tế vụ Đông Xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký, cũng như hàng tồn kho thực tế ở các DN.
 Thu hoạch lúa tại huyện Sóc Sơn. Ảnh: Tùng Nguyễn
Trong khi đó, căn cứ tình hình thực tế hiện nay, ngày 25/3, Bộ NN&PTNT có báo cáo, trong đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN&PTNT tập trung theo dõi, thống kê sát thực tế về tình hình sản xuất, cơ cấu, sản lượng, nguồn thóc, gạo hàng hóa theo từng chủng loại, mùa vụ. Đồng thời, phối hợp với các địa phương để định hướng sản xuất, kịp thời ứng phó với các tình hình mới.
Bộ NN&PTNT cũng đề xuất Thủ tướng cho phép tiếp tục theo dõi nhu cầu xuất nhập khẩu của các thị trường để kịp thời tận dụng tốt cơ hội từ các thị trường này (đặc biệt là tình hình xuất khẩu gạo của Ấn Độ và các nước xuất khẩu gạo trong khu vực). Cùng với đó, phối hợp Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các DN kinh doanh xuất khẩu gạo để bảo đảm dự trữ, lưu thông và bình ổn giá lúa gạo nội địa cũng như xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Thận trọng với an ninh lương thực
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, cần cân nhắc kỹ lưỡng việc xuất khẩu gắn với bảo đảm an ninh lương thực. Thực tế, việc tạm dừng xuất khẩu có thể ảnh hưởng đến một bộ phận người nông dân, các DN. Thêm nữa, xuất khẩu gạo, nhất là sang Trung Quốc hiện vẫn chưa đáng lo ngại, nhất là khi so sánh với giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường này trong một vài năm trở lại đây.
Theo Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, Việt Nam hoàn toàn có thể bảo đảm được cả hai mục tiêu. Cụ thể, để bảo đảm an ninh lương thực, Chính phủ có thể tăng thu mua, dự trữ lúa gạo trong Nhân dân; Các bộ ngành cũng có thể nghiên cứu việc tăng diện tích canh tác lúa ở các mùa vụ tiếp theo trong năm 2020. Đối với xuất khẩu, ông Thủy kiến nghị các bộ, ngành cần làm việc cụ thể, rà soát lượng lúa gạo còn lại trong các DN để cân đối sản lượng xuất khẩu với dự trữ. Trong đó, nếu xuất khẩu nên chú trọng trước cho gạo (vì thời gian bảo quản của gạo chỉ khoảng 7 tháng, trong khi đối với lúa, có thể lưu kho 18 tháng).
Trả lời báo chí trước đó, Chuyên gia nông sản Nguyễn Đình Bích cũng có cái nhìn lạc quan. Ông cho rằng, dù bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn nhưng tính đến thời điểm này, sản lượng lúa gạo trong nước vẫn bảo đảm cung ứng cho thị trường. Do đó, vấn đề an ninh lương thực cơ bản được bảo đảm, ít nhất là trong năm 2020.
Theo vị chuyên gia này, nếu giá lúa gạo xuất khẩu tốt thì có thể tận dụng để bảo đảm lợi ích cho người nông dân và các DN, bởi Việt Nam có thể chủ động bổ sung được lượng gạo nếu cần thiết ở các vụ mùa tiếp theo.
Chiều 25/3, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi báo chí về vấn đề tạm dừng xuất khẩu gạo. Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kiểm tra lại lần nữa lượng tồn kho trong dân, lượng tồn kho trong các DN, sau đó báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. 

Ngày 25/3, Văn phòng Chính phủ có công văn hỏa tốc giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Tài chính và các cơ quan liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và các DN xuất khẩu gạo chủ chốt. Đồng thời rà soát, kiểm tra, đánh giá về nguồn cung thóc gạo, tình hình xuất khẩu gạo và thực hiện dự trữ, lưu thông, thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo. Trên cơ sở đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo theo đúng quy định.


"Gạo là mặt hàng Việt Nam có thể chủ động nguồn cung trong những chu trình 3 - 4 tháng nên việc cầu lúa gạo thế giới đột ngột tăng cao có thể tranh thủ đón làn sóng này. Giá cả và nhu cầu có thể tăng dần, thậm chí tăng mạnh, trong các tháng 4 - 5. Khi đó, giá lúa gạo trong nước cũng có khuynh hướng tăng theo và đối tượng hưởng lợi là nông dân và ngành nông nghiệp. Các nhóm khác có thể bị thiệt vì giá gạo tăng lên, nhưng gạo chỉ chiếm một tỷ trọng tương đối nhỏ trong ngân sách của họ." - TS Nguyễn Đức Thành -

thành viên Liên minh chính sách nông nghiệp Việt Nam 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần