Vì vậy, theo PGS. TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng Việt Nam, những người làm công tác quy hoạch đô thị cần phải quan tâm, chú trọng đến việc quy hoạch đường cho người đi xe đạp và đi bộ.
Nguy cơ từ động cơ đốt trong
Ở các TP lớn của Việt Nam như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... tình trạng ô nhiễm môi trường có nguy cơ tăng cao do số lượng dân cư gia tăng, các phương tiện giao thông ca nhân sử dụng nhiên liệu chất đốt ngày càng nhiều.
Theo số liệu của Sở TN&MT Hà Nội, trong thời gian gần đây lượng khí nhà kính sinh ra từ hoạt động sử dụng các nguồn năng lượng trên địa bàn TP tăng cao. Dự tính đến năm 2020, các hoạt động sử dụng nguồn năng lượng, nhiên liệu sẽ tạo ra 18,2 triệu tấn CO2 tương đương và đến năm 2030 con số này tăng lên đến 42,7 triệu tấn CO2 tương đương, gấp 3 lần so với năm 2015.
Khí nhà kính sinh ra qua tiêu thụ năng lượng chủ yếu là hoạt động sử dụng nhiên liệu đốt từ các động cơ đốt trong. Cùng với đó là chưa kể hàng triệu tấn CO2 gây hiệu ứng nhà kính từ các loại chất thải, rác thải sinh hoạt hàng ngày của người dân...
Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Nguyễn Ngọc Sinh cho rằng, đã đến lúc tại các TP lớn cần phải quan tâm đến việc giảm thiểu các phương tiện sử dụng nhiên liệu chất đốt, tăng cường các phương tiện sử dụng năng lượng điện, năng lượng sinh học. Đặc biệt là cần quy hoạch một không gian cho người đi xe đạp và đi bộ, để giảm nguồn khí thải do chất đốt ra môi trường, giúp cho đô thị phát triển bền vững.
Giảm áp lực lên hạ tầng
Hiện nay, việc quy hoạch đường cho người đi bộ và đi xe đạp được nhiều nước trên thế giới quan tâm, trong đó Copenhagen - thủ đô của Đan Mạch là một trong những nước tiên phong. TP này đang bắt đầu triển khai một dự án 26 làn xe mở rộng chỉ dành cho xe đạp, nằm trong chương trình xây dựng Thủ đô carbon trung tính vào năm 2050.
Theo PGS. TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng Việt Nam, một đô thị phát triển là đô thị mà người dân trong đó có mối quan hệ lành mạnh, bình đẳng, gần gũi với nhau và khả năng dân cư có thể hoặc ưa thích việc tiếp cận hầu hết các dịch vụ bằng cách đi bộ, đi xe đạp hoặc vận chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng.
“Sự quá tải về hạ tầng giao thông và các hạ tầng kỹ thuật trong quá trình đô thị hóa đã dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn về tại nạn giao thông, ô nhiễm môi trường. Vì vậy, những người làm công tác quy hoạch đô thị cần phải quan tâm, chú trọng đến việc quy hoạch đường cho người đi xe đạp và đi bộ”, PGS. TS Lưu Đức Hải nói.
Hiện nay, số lượng người dân tại các đô thị lớn sử dụng phương tiện giao thông công cộng chiếm tỷ lệ rất thấp, khoảng 15% tổng số người tham gia giao thông, phần lớn người tham gia giao thông đều sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường từ các phương tiện tham gia giao thông đã trở thành vấn đề nan giải tại các đô thị lớn.
Trong khi đó, đi bộ và đi xe đạp là hình thức giao thông tốt cho sức khỏe, thân thiện với môi trường. Ở các nước phát triển, khi phải đối mặt với nguy cơ về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường thì họ quay lại với vấn đề đảm bảo an toàn cho người đi bộ và đi xe đạp.
PGS. TS Lưu Đức Hải cho biết thêm, nếu quy hoạch được hệ thống đường dành cho người đi bộ và đi xe đạp kết nối với các phương tiện giao thông công cộng thì sẽ giảm tải được rất nhiều những áp lực lên hạ tầng giao thông, tại các đô thị lớn của Việt Nam; cùng với đó sẽ giải quyết rất tốt vấn đề ô nhiễm môi trường.