Cần sửa đổi, bổ sung những bất cập trong Luật Giáo dục

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/12, Bộ GD&ĐT, Bộ Tư pháp đồng tổ chức hội thảo đánh giá kết quả phối hợp công tác pháp chế giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp năm 2017 nhằm hoàn thiện pháp luật về giáo dục.

Tại hội thảo, các ý kiến thống nhất nhận định về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục tại thời điểm này.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Theo đó, có 4 nội dung cần sửa đổi: Sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo; sửa đổi, bổ sung quy định về giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên để đẩy mạnh phân luồng sau THCS, định hướng nghề nghiệp ở THPT, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời; bổ sung một số quy định thể chế các chính sách của Đảng và phù hợp với các quy định hiện hành và giao thẩm quyền ban hành các quy chế, quy định liên quan đến hoạt động nhà trường cho phù hợp hơn với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Bên cạnh đó, 3 vấn đề còn có ý kiến khác nhau xin ý kiến Chính phủ: Nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học để phù hợp với NQ số 29 “tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, THCS… phải có trình độ từ đại học trở lên”; có cơ chế, chính sách tháo gỡ, xếp “lương nhà giáo được cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; mở rộng đối tượng không phải đóng học phí đến THCS trường công lập.