Cẩn thận với cháy nổ mùa hanh khô

Đông Phong - Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội, tính riêng trong tháng 11/2016, trên địa bàn TP đã xảy ra 65 vụ cháy.

Ngay cuối tuần qua đã tiếp tục xảy ra thêm 3 vụ cháy lớn trên địa bàn Thủ đô. Trước diễn biến phức tạp của tình hình cháy nổ, cơ quan chức năng tiếp tục đưa ra khuyến cáo cho các tổ chức, cá nhân nhằm đảm bảo công tác PCCC dịp cuối năm.

Cháy tại xưởng đồ gỗ của Công ty cổ phần Đồng Tháp nằm trong khu công nghiệp Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội.

Thống kê cho biết, trong 65 vụ cháy có 1 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 9 vụ cháy trung bình, 54 vụ cháy nhỏ, 1 vụ cháy rừng (ngoài ra còn có 41 vụ chập điện trên cột, 17 vụ cháy bãi rác, phế liệu không gây cháy lan). Các vụ cháy khiến 13 người chết, 1 người bị thương; thiệt hại tài sản trị giá khoảng 11 tỷ đồng và 0,5ha rừng. Về nguyên nhân, Cảnh sát PCCC xác định các vụ cháy do chập điện vẫn chiếm tỷ lệ cao (38/59 vụ đã làm rõ nguyên nhân, chiếm tỷ lệ 64,4%); sơ suất khi sử dụng lửa (16/59 vụ đã làm rõ nguyên nhân, chiếm tỷ lệ 27,1%)… Ngay cuối tuần qua tại Hà Nội lại liên tiếp xảy ra những vụ cháy lớn. Cụ thể, sáng ngày 2/12 đã xảy ra cháy nhà xưởng rộng hàng nghìn mét vuông chứa toàn đồ gỗ của Công ty CP Đồng Tháp nằm trong khu công nghiệp Ngọc Hồi (ven QL1A, thuộc địa phận huyện Thanh Trì). Tối cùng ngày, xưởng tái chế nhựa tại ngõ 80, phố Đại Linh, phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) đã bất ngờ bốc cháy dữ dội. Tiếp đó, ngày 3/12 xảy ra cháy tại siêu thị điện máy nằm gần khu vực chợ Xuân Mai (huyện Chương Mỹ). Các vụ cháy tuy không có thiệt hại về người nhưng gần như toàn bộ tài sản trong xưởng sản xuất cũng như siêu thị điện máy đều bị hư hại hoàn toàn.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình cháy nổ, lãnh đạo Cảnh sát PCCC Hà Nội đã đưa ra khuyến cáo về tầm quan trọng trong công tác PCCC trong thời gian tới. Theo đó, Hà Nội đang trong mùa hanh khô là điều kiện dễ xảy ra cháy, nổ đặc biệt nhà kho, nhà xưởng, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị là loại hình có nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao, gây thiệt hại nghiêm trọng. Mặt khác, các cơ sở kinh doanh này đang tích trữ nhiều hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua bán tăng cao của người dân trong dịp Tết năm 2017. Để chủ động hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy trên địa bàn TP, Cảnh sát PCCC Hà Nội yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, tổ chức và người dân thực hiện tốt các nội dung: Thực hiện nghiêm quy định về PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng (thẩm duyệt về PCCC đối với công trình xây dựng mới, cải tạo, thay đổi quy mô, tính chất hoạt động; nghiệm thu về PCCC trước khi đưa công trình, hạng mục công trình vào hoạt động); không tàng trữ, sử dụng các chất có nguy hiểm cháy nổ như xăng dầu, cồn, gas và hóa chất dễ cháy khác ở trong nhà kho, nhà xưởng, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở nhân viên, tiểu thương trong thời điểm kinh doanh phải bố trí, sắp xếp hàng hóa trong quầy, sạp đúng phạm vi đã được quy định, chấp hành nghiêm các quy định về PCCC;  tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng kỹ thuật đối với hệ thống điện (kể cả hệ thống chiếu sáng, hệ thống chữa cháy và chiếu sáng sự cố); rà soát các thiết bị bảo vệ như aptomat, cầu dao, dây dẫn điện, các ổ cắm, mối nối, các điểm tiếp xúc của công tắc bị ô xy hóa (gỉ sét)… Khi phát hiện dấu hiệu hư hỏng phải khẩn trương khắc phục, sửa chữa hoặc thay thế để đảm bảo an toàn PCCC. Đối với các đơn vị cho thuê mặt bằng làm nhà kho, nhà xưởng, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị cần phân định rõ ràng trách nhiệm thực hiện công tác PCCC giữa bên cho thuê và bên thuê, thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc tổ chức duy trì chế độ tự kiểm tra an toàn PCCC thường xuyên và định kỳ để chủ động phát hiện và ngăn ngừa những nguy cơ gây mất an toàn có thể dẫn đến cháy, nổ.