Cần thêm những “lực đẩy” cụ thể cho kinh tế tư nhân

Quốc Toản (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục cải cách hành chính, có những cơ chế hỗ trợ về thuế, vốn, đất đai và thị trường là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Thành Công - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội về thực trạng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 5 (Khóa XII).

 PGS.TS Nguyễn Thành Công - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội 
Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân đang được tích cực triển khai. Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng cũng như sự cần thiết của “lực đẩy” này đối với một thành phần kinh tế rất quan trọng, nhưng bấy lâu nay vẫn chưa được coi trọng này?
- Mặc dù chiếm tỷ lệ lớn trong số lượng DN của cả nước, nhưng lâu nay, DN tư nhân vẫn đang bị lép vế trước DN nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Hội nghị T.Ư 5, khóa 12 của Đảng vừa qua đã xác định: Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước. Đây được xem là quan điểm rất tích cực trong đổi mới về tư duy phát triển kinh tế theo hướng CNH – HĐH một cách bền vững.
Theo tôi, Nghị quyết đã đánh giá một cách trung thực, toàn diện thực trạng kinh tế tư nhân từ những năm đổi mới đến nay, làm rõ cả thành tựu cũng như những tồn tại, hạn chế khiến cho sự phát triển của khối này còn bị kìm hãm so với tiềm năng; Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng. Trên cơ sở đó, Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát, phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất một triệu DN; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu DN và đến năm 2030 có ít nhất hai triệu DN. Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%. Cùng với đó là hàng loạt giải pháp về cơ chế chính sách, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, khả năng tiếp cận các nguồn lực… để khu vực kinh tế tư nhân phát triển theo hướng đột phá.
Theo ông, đối với Hà Nội, kinh tế tư nhân phát triển như thế nào, đã thực sự tương xứng với tiềm năng?
- Không chờ đến Nghị quyết T.Ư5, mà ngay từ đầu những năm 2000, ngay khi từ Nghị quyết số 14 của Hội nghị T.Ư 5 khóa IX, Hà Nội đã có nhiều giải pháp cụ thể để khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân. Nhờ đó, số DN tư nhân của Hà Nội tăng cao: Tính đến hết năm 2015, số DN tư nhân hoạt động là 114.838, tăng gấp 3 lần so với năm 2008 (38.059 DN). Hà Nội chiếm trên 1/5 số lượng DN tư nhân của cả nước (khoảng gần 100.000 cơ sở so với cả nước có 500.000 DN tư nhân). Bình quân cứ 76 người dân Thủ đô có 1 DN, cao hơn 2 lần cả nước (cả nước 160 người dân có 1 DN).
Các DN tư nhân đã có những tác động tích cực vào sự nghiệp CNH - HĐH Thủ đô, đặc biệt là trong việc bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển, góp phần duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, đóng góp lớn vào ngân sách TP, đóng góp 22% GDP. Tỷ trọng vốn của DN tư nhân đăng ký đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng tăng qua các năm.
Bên cạnh đó, Hà Nội hiện còn có trên 342 nghìn hộ kinh doanh cá thể và 1350 làng nghề (chiếm gần 50% số làng nghề cả nước). Đây thực sự nguồn tài nguyên lớn đang chờ được hỗ trợ, khai thác mạnh mẽ hơn. Rồi còn hàng trăm hợp tác xã, tuy tên gọi “cổ điển”, nhưng đang làm ăn như DN với phương thức quản lý hiện đại.
Để có kết quả đó là nhờ TP đã thực hiện tốt cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư cùng hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ về thuế, đất đai, đào tạo nhân lực, thị trường... Như thủ tục thành lập DN, bây giờ có thể ngồi nhà nộp hồ sơ, đăng ký qua mạng, không phải đi lại, nhiều thủ tục như trước kia. Rồi Thành ủy cũng có hẳn Nghị quyết riêng về phát triển đảng, đoàn thể tại các DN ngoài khu vực Nhà nước, thực sự giúp nhiều đơn vị không chỉ vượt qua khó khăn mà còn ăn nên làm ra. Tất cả đã cộng hưởng lại để giúp khối kinh tế tư nhân “sống khỏe” hơn.
Vậy còn hay không những “lực cản” khiến cho kinh tế tư nhân Thủ đô chưa thể phát huy hết hiệu quả?
- Nói vậy, nhưng không phải tất cả đều mầu hồng. Thực tế cho thấy, nhận thức và hoạt động thực tiễn ở một số nơi còn thiếu sự nhất quán, có lúc, có nơi chưa nhìn nhận, đánh giá đúng mức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân. Điều đó dẫn đến thái độ ứng xử của một số cán bộ, công chức vẫn còn phân biệt giữa các thành phần kinh tế; chưa thực sự bình đẳng trong vay vốn tín dụng, trong việc thuê đất giữa DN nhà nước với DN tư nhân. Đơn cử như giá thuê đất ở khu công nghiệp khá đắt, nhiều DN vào rồi lại ra bởi chi phí có khi gấp vài lần so với tỉnh bạn, nhưng cách đó chỉ một… hàng rào.

Sản xuất phụ tùng cơ khí chất lượng cao tại Công ty TNHH Cơ khí & tự động hóa công nghiệp, huyện Hoài Đức.  Ảnh: Nguyễn Đức

 Mặc dù số lượng tăng nhanh, tuy nhiên trình độ phát triển của kinh tế tư nhân còn thấp, thiếu vốn, mặt bằng sản xuất - kinh doanh; phần lớn DN tư nhân có quy mô nhỏ, manh mún, mang nặng tính gia đình, còn ít liên kết với nhau hoặc với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể. Quản trị nội bộ của nhiều DN còn yếu, nhất là loại hình DN tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của bản thân, thiếu chiến lược và kế hoạch kinh doanh; cán bộ quản lý, kỹ thuật, nghiệp vụ phần lớn chưa qua đào tạo; quản lý tài chính còn thiếu minh bạch.
Bên cạnh đó, cũng phải thẳng thắn thấy rằng công tác quản lý chưa toàn diện, có nơi còn buông lỏng, không thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước đối với kinh tế tư nhân. Có lần tôi đi khảo sát ở một DN sản xuất điện cơ. Khi được hỏi về tâm tư, nguyện vọng, lãnh đạo DN bộc bạch thẳng: “Chúng tôi chẳng cần các anh cái gì, duy nhất một điều là quản lý thị trường giúp tôi, đừng để hàng giả, hàng nhái tràn ngập, đánh bật cả hàng chính hãng”.
Khi đã có Nghị quyết T.Ư 5, theo ông TP cần cụ thể hóa thế nào để thực sự là “bà đỡ” để phát triển kinh tế tư nhân?
- TP đã xác định kinh tế tư nhân là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, xây dựng chính quyền kiến tạo, chính quyền phục vụ, tạo môi trường minh bạch, thông thoáng và bình đẳng để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn.
Trước tiên, tôi cho rằng vẫn cần phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về hỗ trợ kinh tế tư nhân. Đẩy mạnh các chương trình kết nối DN - ngân hàng, các chương trình xúc tiến thương mại đầu tư, du lịch, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh.
Chúng ta cũng cần thúc đẩy hình thành một số công ty lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân khi đã hội đủ điều kiện. Khuyến khích hình thành, phát triển các mô hình DN đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, gắn các khâu sản xuất nông nghiệp với chế biến và tiêu thụ, hình thành chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm sạch, đưa nông nghiệp - nông thôn Thủ đô nhanh chóng đi vào quỹ đạo kinh tế hàng hóa và hội nhập quốc tế.
Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức, trong đó đặc biệt giảm các chi phí về thủ tục hồ sơ khi cấp giấy chứng nhận, coi đây là biện pháp quan trọng để giảm bớt khó khăn cho DN hiện nay. Hoàn thành xây dựng một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề tập trung theo quy hoạch: Khu công nghiệp Quang Minh II, cụm công nghiệp sạch Sóc Sơn, khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch. Rà soát giá thuê đất và giá thuê đất có hạ tầng tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để các DN đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp công nghệ cao: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Trung tâm giống thủy sản công nghệ cao…
Thời gian qua, TP đã triển khai rất tốt hỗ trợ khởi nghiệp thông qua các vườn ươm khởi nghiệp. Mong rằng các vườn ươm này sẽ được chăm sóc tốt hơn để đón thêm nhiều ý tưởng và các DN có thể “tự bơi” được khi ra thị trường cạnh tranh sòng phẳng. Đây sẽ là những minh chứng không thể cụ thể hơn đối với sự quan tâm của TP trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn.
Xin cảm ơn ông!