Cần thiết đưa Nghị quyết 30 vào dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi)

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 6/9, Đoàn Đại biểu (ĐB) Quốc hội TP Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến vào các dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi), Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XIV.

Tại hội nghị, đã có nhiều ý kiến tham gia góp ý vào các nội dung chính của các dự thảo luật. Nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao về dự án 2 luật này. Theo đó, Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) gồm 12 Chương, 111 Điều đã quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản cơ bản là hợp lý. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị bố cục cần phải bảo đảm cân đối hơn giữa các quy định về bảo vệ với phát triển rừng; sắp xếp các chương, mục, điều, khoản bảo đảm tính logic và khoa học hơn. Sửa đổi, xem xét lại quy định rừng tự nhiên là của Nhà nước.
 Phó trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại hội nghị.
Các ý kiến tại hội nghị cũng đã góp ý vào nhiều điều, khoản cụ thể của dự thảo Luật. GS.Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ cho rằng, cần có quy định cụ thể về Quyền tiếp cận rừng đối với cộng đồng dân cư không phải là chủ sở hữu. Đặc biệt, cần thiết phải đưa Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp vào dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Đồng thời, GS cũng kiến nghị, “rừng tự nhiên nghèo kiệt nên giao cho hộ gia đình, cá nhân cộng đồng dân cư phục hồi, sau khi phục hồi được, cho họ quyền được hưởng giống như rừng sản xuất, rừng trồng”. Trong khi đó, ĐB Trần Nho Quyết – PGĐ Vườn quốc gia Ba Vì cho rằng, diện tích quy hoạch cho hoạt động du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng nên có quy định thông báo về thủ tục để tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh. Cần quy định chặt chẽ hơn về tác động cụ thể: Các TTHC trong hoạt động du lịch sinh thái. “Nên quy định cụ thể trong luật về diện tích tác động chiều cao công trình trong diện tích thuê môi trường rừng, liên kết kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái…”, ĐB Quyết nói.
 GS Đặng Hùng Võ góp ý tại hội nghị.

Nhiều ĐB cũng cho rằng, trong Luật cần quan tâm đến chủ thể rừng. Hiện chủ thể rừng rất khác nhau, quá trình giao đất, giao rừng của các công ty lâm nghiệp trước đây lại giao khoán cho hộ dân nhưng không loại trừ nhiều nơi việc giao khoán không rõ ràng nên hiệu quả chưa cao, đời sống của người dân được giao đất giao rừng còn khó khăn. Cần tính toán chủ thể, người được giao đất giao rừng có thể làm giàu trên mảnh đất này. Bên cạnh đó, hệ sinh thái rừng cần tiếp tục quy hoạch và phát triển theo kế hoạch nên sắp tới cần tính toán định giá trong môi trường rừng.

Đối với dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), các đại biểu tham gia góp ý vào một số vấn đề như về sự cần thiết và phạm vi sửa đổi của luật; về chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản; về thực hiện đồng quản lý trong hoạt động thủy sản; về khu bảo tồn biển, khu bảo tồn thủy sản nội địa; về quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; về quy định đối với lực lượng Kiểm ngư; Nên bỏ quy định giấy chứng nhận; Bổ sung một số định nghĩa liên quan đến thủy sản…

Thay mặt Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu đã tiếp thu toàn bộ các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội nghị và khẳng định, những kiến nghị này sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổng hợp trình lên Ủy ban thường vụ Quốc hội để nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung vào các điều, khoản của Luật để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới.