Cần thiết tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Khang Nhi-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều ngày 25/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Qua thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025 nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong việc ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và tình hình bất lợi về thiên tai, biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay.
 Toàn cảnh phiên họp
Tại phiên họp, đại biểu Mai Hồng Hải (Đoàn TP Hải Phòng) cho rằng, hồ sơ dự thảo nghị quyết đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên đề nghị Chính phủ xem xét lại tên gọi của dự thảo Nghị quyết cho phù hợp và thuận tiện trong tra cứu và áp dụng.
Nhấn mạnh việc tiếp tục miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là cần thiết, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, việc miễn thuế đất sử dụng nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay sẽ hỗ trợ nông dân, nhất là trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 với họ.
Tuy nhiên đại biểu Hoàng Văn Cường cũng bày tỏ băn khoăn với việc duy trì chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp một thời gian dài và làm mất ý nghĩa của loại thuế này. Bởi thuế sử dụng đất nông nghiệp có ba chức năng cơ bản gồm: chức năng điều tiết hành vi sử dụng đất vì có thuế người sử dụng hiệu quả mới giữ đất, còn người sử dụng không hiệu quả sẽ bỏ đất ra; chức năng phân phối lại thông qua việc buộc những người sử dụng đất đai nhiều để tạo ra nguồn lực sẽ đóng một phần thu nhập đó phân phối cho những người còn lại; chức năng đóng góp cho ngân sách.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, việc thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp chỉ giảm thu chưa đến 10 nghìn tỷ đồng, không ảnh hưởng đến thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, phần kinh phí này cũng không thể thúc đẩy phát triển nông nghiệp, cũng như hỗ trợ đời sống nông dân, vì nếu chia đều cho khoảng 11.000 hộ nông dân thì mỗi hộ chỉ được miễn chưa đến 1 triệu đồng/năm, không có ý nghĩa nhiều với họ.
Trong khi đó, việc miễn thuế sử dụng đất cũng tạo ra tình trạng bình quân hóa, tức là chức năng phân phối lại từ người sử dụng đất nhiều cho người sử dụng ít không được thực hiện. Điều này cũng dẫn đến không thực hiện được chức năng điều tiết hành vi sử dụng đất nông nghiệp, vì không phải nộp thuế nên người sử dụng đất dù không sử dụng cũng cứ nhận, nhận càng nhiều càng tốt, đây cũng là một nguyên nhân thúc đẩy việc bỏ hoang đất.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, dù rằng bỏ hoang đất không phải do chính sách thuế, nhưng xu hướng chuyển dịch lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp, hay người hết tuổi lao động không sản xuất nông nghiệp, song vì không phải nộp thuế nên họ vẫn để đấy, trong khi những người có nhu cầu sử dụng đất lại không có đất để sản xuất. Vì vậy, không chỉ gây lãng phí đất nông nghiệp mà còn cản trở tích tụ đất đai để thực hiện xu hướng sản xuất nông nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang được khuyến khích.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, chính sách này kéo dài trong 20 năm đến nay đã không còn tác dụng, mà chỉ có tác dụng một thời gian ngắn như di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói sau khi thống nhất đất nước cần miễn thuế nông nghiệp trong 1 năm để khoan sức dân.
Chúng ta đã duy trì chính sách này trong 20 năm rồi nên nay cần triển khai thu thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế đó sẽ dành để chi trả cho những người dân không sử dụng đất nữa như chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ tạo việc làm, để sử dụng đất có hiệu quả cao nhất, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Cùng với việc tiếp tục miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị xem xét kỹ lưỡng công khai, minh bạch, chỉ đạo chặt chẽ trong việc quản lý thực hiện giảm thuế, bảo đảm đúng đối tượng, nâng cao kết quả hiệu quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất, không để lợi dụng vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm tham nhũng, lãng phí...
Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp đã được ghi âm, ghi chép lại đầy đủ. Trên cơ sở các ý kiến góp ý tại phiên họp hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình; đồng thời chỉ đạo Ủy ban Tài chính- Ngân sách và Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần