Cần tiếng nói ở tầm khu vực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước việc Trung Quốc liên tiếp có các hành vi phi pháp, đi ngược lại các quy định quốc tế tại Biển Đông, một số quốc gia trong khu vực đã cho rằng, đây chính là thời điểm Cộng đồng ASEAN mới thành lập lên tiếng.

Sau khi vấp phải phản ứng dữ dội từ các nước trong khu vực và trên thế giới đối với hành động điều máy bay dân sự ra đường băng xây dựng trái phép tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục ngang nhiên tuyên bố, nước này có quyền đưa các máy bay ra khu vực Biển Đông mà không cần thông báo. Động thái ngang ngược, bất chấp luật pháp này của Trung Quốc lại một lần nữa bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ.
Máy bay của Trung Quốc được điều ra sân bay do nước này xây dựng phi pháp  tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Máy bay của Trung Quốc được điều ra sân bay do nước này xây dựng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã tỏ rõ phản ứng của Việt Nam trước hành động này: “Việt Nam kiên quyết bác bỏ các quan điểm sai trái trong phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 11/1/2016. Một lần nữa, chúng tôi khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa cũng như đối với quần đảo Hoàng Sa”.

Ông Lê Hải Bình cũng tiếp tục khẳng định, việc Trung Quốc cho máy bay bay ra đá Chữ Thập cho dù là dưới bất kỳ danh nghĩa nào với cách làm như vừa qua cũng đều ảnh hưởng đến an ninh an toàn tự do hàng không ở Biển Đông; đi ngược lại các quy định của luật pháp quốc tế.

Ngày 13/1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết, nước này đã triệu tập đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila và trao công hàm phản đối. Ông Charles Jose lên án, các chuyến bay thử nghiệm là "hành động khiêu khích", ảnh hưởng đến tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Truyền thông các nước trong khu vực cũng lên án Trung Quốc đã gia tăng căng thẳng không cần thiết. Tờ Bangkok Post (Thái Lan) nhận định, việc Trung Quốc điều máy bay ra khu vực Biển Đông mà không hề thông báo là một động thái rất nguy hiểm.

Tờ báo của Thái Lan cũng nhấn mạnh, lập trường của Trung Quốc là không thể chấp nhận được khi ngang ngược tuyên bố chủ quyền phi lý tại phần lớn diện tích khu vực Biển Đông. Không những thế, Trung Quốc đã tạo ra những rủi ro an toàn lớn với các chuyến bay đi, đến và trên quần đảo Trường Sa, nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền. Bangkok Post cũng đánh giá, với động thái này, "một lần nữa, Trung Quốc lại tạo ra căng thẳng và rủi ro không cần thiết". Theo đó, các chuyến bay của Trung Quốc đi qua vùng trời có mật độ cao, được sử dụng bởi nhiều hãng hàng không từ hàng chục quốc gia. Bất kể phi cơ nào bay qua đó mà không thông báo công khai đều đặt tất cả các máy bay vào nguy hiểm.

Tờ Bangkok Post kết luận, đây là tình thế mà Cộng đồng ASEAN mới thành lập cần gây sức ép khiến Bắc Kinh phải thực hiện đúng tiêu chuẩn an toàn hàng không.

Ý kiến tương tự cũng đã được Tổng thống Philippines Begino Aquino đưa ra trong một cuộc họp vào ngày 8/1. Cụ thể, trước những hành động ngày một leo thang của Trung Quốc, Tổng thống Philippines đã lên tiếng thúc giục các nước thành viên ASEAN gây áp lực với Trung Quốc nhằm thống nhất về Bộ quy tắc ứng xử cho các bên ở Biển Đông (COC). Tổng thống Aquino cho rằng, các nước trong khu vực cần nỗ lực để đẩy mạnh các cuộc bàn bạc về COC nhằm mục đích trừng phạt các bên vi phạm, ngăn cản các hành vi khiêu khích, gia tăng căng thẳng và xung đột trong khu vực.