Cẩn trọng bị lừa đảo thông qua mạng xã hội

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lừa đảo thông qua mạng xã hội đã được cảnh báo nhiều trên các phương tiện thông tin truyền thông.

Tuy nhiên, tình trạng này chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Đặc biệt, phụ nữ vẫn là những "con mồi” mà các đối tượng xấu nhắm tới để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng phạm tội đơn giản, không hề mới. Vẫn phương thức kết bạn qua mạng xã hội (Facebook), khoe mẽ lối sống, sinh hoạt giàu sang và sau khi thấy “con mồi” tin tưởng, các đối tượng bắt đầu giở thủ đoạn lừa đảo…
 Ảnh minh họa
Ngày 25/5, Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trần Thị Bích Tuyền (SN 1982, trú tại tỉnh Tiền Giang) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan công an đã làm rõ, Tuyền cùng một số đối tượng khác chuyên lập tài khoản giả dạng người nước ngoài trên Facebook để chiếm đoạt hàng tỷ đồng của các nạn nhân nữ. Trước khi bị bắt giữ, bằng thủ đoạn tương tự, Tuyền đã lừa đảo thành công 3 nạn nhân. Mới đây nhất, Tuyền cùng đồng bọn lừa chị Đặng Thị M. (SN 1986, trú tại TP Hạ Long) với số tiền lên đến hơn 2 tỷ đồng. Theo đó (tháng 4/2017), các đối tượng kết bạn trên Facebook với chị M. bằng tài khoản của một người đàn ông tên Paul, có quốc tịch Mỹ với nhãn mác là quân nhân đang đóng quân tại Afghanistan. Sau thời gian chuyện trò chuyện thân thiết, Paul ngỏ ý nhờ chị M. nhận hộ 1,2 triệu UDS là số tiền Chính phủ Mỹ cho đối tượng vì những cống hiến tại Afghanistan. Lý do Paul nhờ chị M. nhận hộ trên danh nghĩa cho tặng là để không mất tiền thuế. Đồng ý nhận hộ, chị M. đã cung cấp thông tin cá nhân cho đối tượng lừa đảo. Sau đó vài ngày, chị M. được một đối tượng tự xưng là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất thông báo có quà gửi từ nước ngoài và yêu cầu chị nộp tiền để nhận quà. Do tin tưởng Paul nên chị M. đã chuyển 5 lần vào tài khoản đối tượng chỉ định với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng... Đến đầu tháng 5/2017, do chưa nhận được gói quà và tiếp tục bị đòi nộp thêm 120.000 USD nên chị M. nghi ngờ, trình báo cơ quan công an. Khi các trinh sát đấu tranh, làm rõ và bắt giữ đối tượng Tuyền thì chị M. mới biết mình là nạn nhân của nhóm đối tượng lừa đảo chuyên nghiệp. Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bị lừa đảo với thủ đoạn tương tự trong thời gian gần đây.
Nhằm nâng cao ý thức cảnh giác đối với phương thức lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng xã hội, cơ quan công an tiếp tục khuyến cáo người dân. Theo đó, cần hết sức cảnh giác, thận trọng với các thông tin trao đổi qua mạng xã hội có liên quan đến chuyển tiền, nạp thẻ cào, nhận quà tặng... Đặc biệt, người dân nhất thiết không cung cấp số điện thoại riêng, thông tin cá nhân, số chứng minh Nhân dân, thẻ tín dụng, số tài khoản cho bất kỳ ai thông qua mạng xã hội. Khi gặp những thông tin có dấu hiệu lừa đảo trên mạng xã hội, người dân nên báo ngay cho cơ quan công an nhằm xác minh, làm rõ và kịp thời ngăn chặn các đối tượng phạm tội.