Cẩn trọng khi mua sắm trực tuyến

Hoài Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù bán hàng online tạo ra thuận lợi cho người tiêu dùng mua sắm hàng hóa trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, nhưng chính từ đây lại nảy sinh tiêu cực vì không ít cá nhân đã lợi dụng ưu điểm này để tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng.

Vừa qua, hệ thống Lotte Mart Việt Nam đã ra thông báo đến người tiêu dùng về việc sản phẩm nước rửa tay mang nhãn hiệu riêng của Lotte Mart Việt Nam đã bị làm giả và được bày bán công khai trên mạng xã hội. Đại diện Lotte Mart Việt Nam nêu rõ: Hiện nay, siêu thị vẫn trong tình trạng đặt hàng nhà cung cấp và chưa có đợt hàng mới, nhiều điểm bán không còn hàng sẵn để đưa lên kệ. Tuy vậy, trên mạng xã hội, người bán vẫn đang rao bán tràn lan sản phẩm gel rửa tay nhái thương hiệu CHOICE L của Lotte Mart Việt Nam.
Thống kê của Tổng cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương), từ 31/1 - 18/2, lực lượng QLTT cả nước đã tổng kiểm tra, xử lý 4.592 vụ vi phạm trong việc buôn bán khẩu trang và nước sát khuẩn. Trong đó có nhiều vụ việc DN lợi dụng dịch bệnh để đưa ra thị trường sản phẩm nước sát khuẩn chưa có số đăng ký lưu hành, hàng hóa chưa đủ điều kiện, chưa được phép lưu hành.
Thậm chí có đối tượng đã đặt mua 50.000 khẩu trang y tế qua mạng xã hội Facebook, Zalo với giá 125.000 đồng/hộp và bán lại cho shop online của người quen với giá 145.000 đồng/hộp. Đặc biệt, Công an tỉnh Thái Bình đã triệt phá một cơ sở sản xuất “chui” các sản phẩm dung dịch nước rửa tay.
Cụ thể, kiểm tra khu vực sản xuất của Công ty Thiên Y Việt, cơ quan công an đã phát hiện gần 30 công nhân đang sản xuất, đóng gói hàng hóa là nước rửa tay được in các nhãn hiệu: Rencide, Hand Sanitizer dạng nước và dạng gel, với trên 200 chai chứa dung dịch. Tại kho hàng của công ty, cơ quan chức năng phát hiện 6.441 chai chứa dung dịch loại 100ml, 500ml chưa dán tem nhãn, 982 chai loại 100ml, 150ml, 500ml dán tem, nhãn hiệu của các hãng kể trên.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Công San, để chống hàng giả, hàng nhái tiêu thụ qua cách kinh doanh truyền thống, nhà quản lý có thể tiếp cận cơ sở phân phối, bán hàng để xử lý. Nhưng với bán hàng online, cơ quan kiểm tra phải đóng giả là người mua hàng, tìm đến nơi tập kết hàng mới có thể kiểm tra, chứ không thể phát hiện qua mạng. Ngoài ra, hàng giả mẫu mã, thương hiệu Việt thường dễ xử lý, nhưng với thương hiệu nước ngoài thường khó bởi không dễ tiếp cận chủ sở hữu.
“Nhiều trường hợp mua tên miền và đặt máy chủ ở nước ngoài, trả tiền thông qua thẻ tín dụng mà không thông qua công ty bán tên miền, cung cấp dịch vụ máy chủ ở Việt Nam hoặc chỉ thiết lập fanpage để chạy quảng cáo. Các đối tượng này cố tình che giấu thông tin, không có địa chỉ, điện thoại hay bất kỳ thông tin liên lạc gì nên việc ngăn chặn và xử phạt gặp rất nhiều khó khăn” - ông San dẫn chứng.
Chia sẻ những khó khăn trong việc kiểm soát bán hàng online, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết thêm: Công tác kiểm tra, giám sát loại hình kinh doanh qua mạng không hề đơn giản, khác hẳn phương thức thanh tra truyền thống.
Bởi người mua hàng đa số là cá nhân không cần lấy hóa đơn, phương thức thanh toán trực tuyến lại đa dạng như thẻ VISA cá nhân, thẻ điện tử… Điều này khiến công tác phát hiện, quản lý và xử lý đối với hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ càng trở nên khó khăn.
Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng lợi dụng thương mại điện tử, bán hàng online để tiêu thụ hàng giả, hàng nhái trong mùa dịch Covid-19, Bộ Công Thương cần có quy định chặt chẽ loại hình kinh doanh này để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.