Cẩn trọng khi vàng lên đỉnh

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/2, ngày “sốt” của giá vàng, tính đến 16 giờ chiều 24/2, vàng miếng trong nước đã tăng lên 49,02 triệu đồng/lượng, bỏ xa mức đỉnh lịch sử trước đó. Chỉ trong vòng 2 giờ buổi chiều, giá vàng đã tăng tới gần 3 triệu đồng/lượng.

Giá vàng vượt ngưỡng 49 triệu đồng/lượng
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 47,8 - 49 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Trong khi đầu giờ sáng, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC niêm yết mua vào 46,52 triệu đồng/lượng (tăng 900.000 đồng/lượng) - bán ra 47,02 triệu đồng/lượng (tăng 950.000 đồng/lượng). Như vậy, so với buổi sáng, giá vàng đã tăng gần 3 triệu đồng/lượng, còn so với cuối tuần trước, vàng tăng 4 triệu đồng/lượng. Đây cũng là mức tăng chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây của vàng, trong khi đó giá vàng thế giới cũng đang nới rộng đà đi lên, sau khi chinh phục đỉnh cao nhất trong 7 năm qua. Thậm chí, giá vàng trong nước hiện đã lập đỉnh cao nhất, đạt 49,2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trên thị trường thế giới cũng diễn biến hết sức bất thường khi đột ngột lao dốc từ ngưỡng 1.650 USD xuống 1.450 USD ngay thời điểm phiên giao dịch bắt đầu. Giá vàng rơi thẳng đứng và chạm mốc 1.384,1 USD/ounce. Hiện chưa rõ yếu tố nào khiến giá vàng bị tác động mạnh như vậy.
 Khách chọn mua vàng tại một cửa hàng trên phố Trần Nhân Tông. Ảnh: Công Hùng
Tuy nhiên, ngay sau khi chạm đáy, vàng nhanh chóng bật tăng trở lại và đáng chú ý là đã vượt ngưỡng 1.650 USD và ngưỡng 1.660 USD/oune và 1.684 USD/ounce, tăng gần 45 USD so với phiên liền trước và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong tuần trước, kim loại quý thế giới cũng đã tăng 3,8% khi các nhà đầu tư tìm kiếm một tài sản trú ẩn an toàn trước nỗi lo sợ dịch Covid - 19 leo thang.
So với buổi sáng, giá vàng thế giới tăng khoảng 20 USD/ounce, tương đương 563.000 đồng/lượng. Với mức tăng gần 3 triệu đồng trong ngày cho thấy tốc độ tăng của giá vàng trong nước cao gấp nhiều lần.
Thị trường náo loạn
Vàng tăng kéo theo một lượng lớn người dân, giới đầu cơ đi mua vàng ngay từ đầu giờ chiều. Bên cạnh những người mua, một số người cũng thực hiện bán vàng ra khi giá liên tục tăng vọt. Quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại ngân hàng, vàng thế giới tương đương với 48,5 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí vận chuyển). Như vậy, giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới hơn 600.000 đồng/lượng. Những ngày trước, dù giá vàng thế giới tăng mạnh nhưng giá vàng trong nước tăng rất chậm.
Khoảng cách giữa giá mua – bán cũng gia tăng cách biệt do lo ngại rủi ro khi giá vàng tăng quá nhanh. Chênh lệch giá bán vàng miếng tại SJC được tăng lên mức 1,2 triệu đồng/lượng, gấp hơn hai lần so với mức chênh lệch sáng cùng ngày ở mức 700 - 800.000 đồng/lượng. Còn tại Eximbank, giá vàng đã làm náo loạn thị trường khi tăng giá bán lên 49,7 triệu đồng/lượng nhưng giá mua vào chỉ 47,7 triệu đồng/lượng. Động thái này gây rủi ro rất lớn cho người mua vàng khi khoảng cách giữa giá mua - giá bán quá cao.
Chuyên gia nhận định ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế sẽ còn ảnh hưởng rất nặng nề trong thời gian tới, có thể kéo dài đến quí III, quí IV/2020 và khả năng đến cả năm 2021. Và sự phục hồi của nền kinh tế sẽ cần phải một thời gian rất dài, không thể trong một vài tháng.
Tuy nhiên, việc đầu tư vào vàng sẽ cực kì rủi ro, chuyên gia Bùi Quang Tín dẫn chứng: “Giai đoạn 2008 – 2012, giá vàng đã lên đỉnh điểm 1.900 USD/ounce nhưng sau đó tụt xuống liên tục, rất nhanh khiến nhiều nhà đầu tư vàng trong nước thua lỗ, thậm chí là phá sản, đặc biệt là những người vay tiền của người thân, ngân hàng để đầu tư vào kim loại này”.
Trước đó, hồi đầu tháng 1, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hay căng thẳng khu vực Trung Đông đã đẩy giá vàng thế giới lên cao và giá vàng trong nước cũng tăng theo. Tuy nhiên, sau đó giá vàng cũng đi xuống trong một thời gian dài. Chuyên gia Bùi Quang Tín chia sẻ: Nếu vay vốn để đầu tư thì rủi ro sẽ rất lớn. Đây là thời điểm nhạy cảm, rất dễ xảy ra rủi ro nếu đầu tư “lướt sóng” vàng.
Ngoài ra một số ý kiến khác dự báo rằng nếu các quốc gia nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh, các quan hệ kinh tế, thương mại trên toàn cầu tiếp tục được nối lại, kinh tế phục hồi thì giá vàng có thể giảm mạnh. Vì thế, nhà đầu tư nên cân nhắc thời điểm chốt lời hợp lí, tránh rủi ro xảy ra khi giá vàng biến động.

"Vàng tăng khá mạnh nhưng không phải ai cũng có thể kiếm lời trọn vẹn trên thị trường này. Thấy vàng lên, nhiều người tiếc hùi hụi nhưng lời được không bao nhiêu nếu cứ nhảy ra, nhảy vào. Mỗi khi có biến động nhanh, người tiêu dùng cần rất thận trọng vì mua vào giá cao, nhưng nếu bán ngay sẽ lỗ rất nặng. Mỗi khi có tín hiệu này, người tiêu dùng cần lưu tâm tránh hiệu ứng đám đông, đổ xô mua có thể gây thiệt hai tài chính ngắn hạn. " - Giảng viên lĩnh vực đầu tư trường Doanh nhân Bizlight Phan Dũng Khánh


Chứng khoán “bốc hơi” hơn 6 tỷ USD

Trái ngược với đà phi mã của vàng, lo ngại dịch Covid-19, chứng khoán ghi nhận phiên giao dịch lao dốc thảm hại của cổ phiếu. Đóng cửa phiên giao dịch chiều 24/2, chỉ số VN-Index mất gần 30 điểm (3,19%) chỉ còn 903,34 điểm; chỉ số HNX-Index mất 3,91 điểm (giảm 3,62%), còn 104,18 điểm… Với giá trị vốn hóa toàn thị trường khoảng 195 tỷ USD, chứng khoán đã "bốc hơi" hơn 6 tỷ USD chỉ trong một phiên. Nhà đầu tư Việt Nam đã ồ ạt đặt lệnh bán, tâm lý lo sợ trỗi dậy, lực xả tiếp tục mạnh hơn. Toàn sàn có tới 330 cổ phiếu giảm, 42 cổ phiếu tăng và 39 cổ phiếu đứng giá.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần