Cẩn trọng trong từng việc làm

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tiếp các vụ việc để “lọt” “đường lưỡi bò” vào phim ra rạp, công ty du lịch sử dụng ấn phẩm có “đường lưỡi bò” giới thiệu cho du khách, hay xe có đường lưỡi bò trưng bày tại triển lãm ô tô tại Việt Nam. Nhiều trường hợp để xảy ra sai phạm đã bị xử lý. Nhưng cũng không vì thế mà tin rằng những vụ để “lọt” như vậy sẽ không còn xảy ra nếu mỗi người ở mỗi vị trí không cẩn trọng trong từng việc làm.

Chắc chắn không phải ngẫu nhiên hình bản đồ có “đường lưỡi bò” xuất hiện liên tiếp ở nhiều trường hợp. Có thể thấy, dù yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là hoàn toàn phi pháp và từng bị Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) ngày 12/7/2016 ra phán quyết bác bỏ tính pháp lý, Trung Quốc vẫn quyết không từ bỏ “đường lưỡi bò” bởi điều này gắn bó chặt chẽ đến tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Chính vì thế, cộng đồng quốc tế và các nước có liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông cần tỉnh táo để nhận diện thủ đoạn cài cắm hết sức tinh vi của nước này trong quá trình truyền bá thông tin sai trái về cái gọi là “chủ quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông”; có phản ứng thích hợp và kịp thời để ngăn chặn hành vi này của Trung Quốc.
Người gây ra các sự việc để “lọt” “đường lưỡi bò” có biện minh vì thế lực thù địch cài cắm tinh vi nên họ khó phát hiện. Nhưng người dân yêu chuộng hòa bình, tinh thần chủ quyền dân tộc không thể thứ tha cho những lỗi lầm như thế. Chính vì vậy, lần đầu tiên, sau khi sự việc để “lọt” “đường lưỡi bò” trong phim “Người tuyết bé nhỏ” ra chiếu rạp ở Việt Nam, xảy ra hơn nửa tháng, Bộ VHTT&DL đã có động thái xử lý tức thời. Đó là thu quyền Cục trưởng của người đứng đầu ngành điện ảnh và kỷ luật, khiển trách các cán bộ có liên quan. Không thủ trưởng đơn vị nào muốn ký những quyết định xử lý cán bộ vì vi phạm. Tuy nhiên, có những vi phạm có thể sửa chữa, có những vi phạm phải xử lý để nêu gương.
Nhiều người từng nhớ, người đẹp Lan Khuê - đại diện Việt Nam trong cuộc thi Hoa hậu Thế giới diễn ra ở Trung Quốc, đã lồng ghép bản đồ đất nước, khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa vào clip “Người đẹp Nhân ái”. Cho dù được đánh giá là gương mặt tiềm năng cho ngôi vị cao nhất của cuộc thi, nhưng Lan Khuê vẫn không ngại đánh cược giải thưởng, đường đường thể hiện lòng tự tôn dân tộc. Vậy lẽ nào, một người mẫu, người đẹp hiểu và có ý thức chủ quyền trong từng việc nhỏ, trong từng sự kiện mà những vị lãnh đạo ngành điện ảnh, ngành văn hóa lại cho phép mình lơi là trước âm mưu của thế lực thù địch? Mọi sự biện minh đều khó được chấp nhận. Để cùng chung tay lên tiếng bảo vệ chủ quyền, mỗi người trong từng vị trí cũng cần đủ nhãn quan nhạy cảm trước những tình huống cài cắm, tránh những trường hợp để “lọt” như đã xảy ra.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần