Cẩn trọng với dược liệu gắn mác “xách tay”

Nam Trần (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thói quen “sính ngoại”, dùng dược liệu xách tay không rõ nguồn gốc; tin lời quảng cáo mua hàng trên mạng; quan niệm thuốc Đông y vô hại… là sai lầm của nhiều người tiêu dùng. PGS.TS Trần Thị Hồng Phương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y - Dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho rằng, người dân cần hết sức thận trọng khi sử dụng dược liệu.

Vì nghe lời quảng cáo như “thần dược”, nhiều người rất chuộng các loại dược liệu “xách tay” như nhân sâm, nấm linh chi Hàn Quốc… Vậy bà có thể cho biết, chất lượng các loại dược liệu này ở Việt Nam có gì khác biệt gì so với hàng ngoại?
- Trong thời gian qua, chưa thấy một công ty nào nhập khẩu nấm linh chi chính ngạch theo giấy phép của Bộ Y tế. Có một công ty đã từng đến xin phép Bộ Y tế nhập khẩu, nhưng khi được hỏi về vùng trồng ở Hàn Quốc thì DN này không thấy quay lại. Tôi xin chia sẻ, nấm linh chi ở Hàn Quốc, Trung Quốc hay Việt Nam đều có tác dụng như nhau khi chúng tôi đưa vào kiểm định. Nấm Việt Nam đã kiểm nghiệm, hàm lượng hoạt chất, yếu tố vi lượng khá cao, có tác dụng điều trị mỡ máu, hỗ trợ điều trị ung thư... Như vậy dù trồng ở đâu, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Việt Nam nếu khi kiểm nghiệm có hàm lượng hoạt chất thì đều là sản phẩm tốt. Người dân không nên quá cầu thị “săn” bằng được hàng ngoại, chỉ cần mua nấm của các cơ sở có uy tín, được kiểm nghiệm sẽ tốt hơn mua hàng ngoại xách tay mà không thực sự biết rõ nguồn gốc xuất xứ và có kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm.

Với nhân sâm, có nhiều loại, nhưng quá trình điều tra, nghiên cứu chúng tôi thấy hầu hết đều từ nhân sâm của Trung Quốc. Dù loại nào cũng đều có tác dụng tốt cho sức khỏe. Nhưng nếu mua nhân sâm có xuất xứ từ Trung Quốc người tiêu dùng cần thận trọng. Vì thực tế, đã có chuyện nhân sâm tại Trung Quốc bị chiết bớt saponin, đưa về Việt Nam, khi nấu lên không còn mùi vị, ăn như khoai, không đảm bảo chất lượng.

Thực trạng kiểm soát nguồn gốc, chất lượng dược liệu ở Việt Nam hiện nay ra sao, thưa bà?

- Cách đây 5 - 6 năm nguồn gốc dược liệu chúng ta rất khó kiểm soát, đặc biệt là dược liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc. Đó là bởi dược liệu nhập khẩu qua biên giới, đường chính ngạch được coi như hàng nông sản nhập khẩu vào Việt Nam, không có kiểm nghiệm. Qua quá trình kiểm soát, chúng tôi phát hiện ra đó là những dược liệu không đạt chất lượng, Bộ Y tế đã có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Đến nay, dược liệu nhập về Việt Nam phải có giấy tờ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ và kiểm nghiệm mới được nhập khẩu. Thời gian gần đây, chất lượng dược liệu đã được nâng lên qua việc kiểm soát nguồn gốc. Tuy nhiên, vẫn còn sự giả mạo, đánh tráo hàng Trung Quốc thành hàng Việt Nam. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng mới có thể kiểm soát được.

Thời gian qua, cơ quan chức năng phát hiện một số loại thuốc đông dược bị ngâm tẩm nhiều hóa chất, đây là điều đáng lo, bà khuyến cáo thế nào với người dân?

- Thật ra, nếu nói thuốc Đông y bị ngâm tẩm hóa chất độc hại thì không hẳn. Trước đây, Bộ Y tế nghiên cứu và phát hiện ra một số dược liệu lưu hành trên thị trường bị tẩm chất màu, hoặc bị giả mạo bằng một chất khác. Những sản phẩm này là thuốc trôi nổi trên thị trường, thuốc bán rong, bán dạo, không có số đăng ký, người bán có thể tẩm màu, hoặc trộn các thuốc tân dược vào. Để sử dụng thuốc đạt hiệu quả, chúng tôi khuyến cáo người bệnh chỉ dùng đông dược liệu theo sự chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không mua sản phẩm không rõ nguồn gốc, bán trôi nổi trên thị trường hay trên các trang mạng chưa được kiểm soát.

Đối với đông dược trộn tân dược như corticoid có nguy hại gì cho sức khỏe?

- Trong quá trình điều trị, những người không có giấy phép hành nghề, có thể trộn thuốc tân dược vào đông dược để tăng hiệu quả điều trị. Việc này thường xuất hiện ở những thuốc chữa bệnh khớp, dị ứng, khiến việc dùng thuốc sẽ có hiệu quả ngay, nhưng dùng lâu dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, làm suy gan, thận, suy tuyến thượng thận, loãng xương. Vì thế, khi đi khám, người bệnh nên đến bệnh viện hoặc các phòng mạch có giấy phép của cơ quan chức năng.

Xin cảm ơn bà!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần