Cẩn trọng với bong bóng tiền ảo

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ có hướng xử lý cũng như sửa đổi pháp luật về tiền điện tử, tiền ảo (bitcoin hay các loại tiền khác) cho phù hợp, điều này không đồng nghĩa đồng ý cho lưu hành đồng tiền này. Tuy vậy, bất chấp rủi ro, nhiều người vẫn đổ xô đầu tư vào loại tiền này.

Cháy hàng máy “đào” tiền ảo
Từ năm 2013, giá mỗi bitcoin chỉ là 13 USD, nhưng đến năm 2014 mỗi bitcoin lên đến 1.200 USD. Từ tháng 4 - 8/2017, đồng bitcoin đã tăng giá gấp 4 lần, lên khoảng 4.200 USD/bitcoin (thời điểm ngày 24/8). Nó cũng kéo theo sự tăng giá của một số đồng tiền ảo khác như Linecoin, Ethereum... Giá bitcoin đã tăng lên mức kỷ lục 5.000 USD trên các sàn giao dịch châu Á vào tối 3/9, trước khi giảm khoảng 5% trong những giờ tiếp theo.
Hiện nay, các kiến thức về bitcoin, kinh nghiệm xây dựng dàn máy, bố trí nhà xưởng, cách khắc phục lỗi xảy ra trong quá trình hoạt động... gần như đều được chia sẻ công khai trên internet. Người dùng có tiền, chịu đầu tư thời gian công sức đều có thể tham gia sân chơi này. Trên thị trường Việt Nam, một số trong những trang mạng mua bán giao dịch bitcoin rao giá đồng xu tiền này tại mức khoảng 61,9 triệu VND mua vào, 62,3 triệu đồng bán ra. Sự tăng giá chóng vánh của đồng tiền ảo này trong khoảng vài ba tháng qua đã khiến website mua bán BCT online tăng đến hàng trăm và phần lớn đều nằm tại mức quy mô vừa và nhỏ, từ 1-10 dàn máy. Ngoài những tay chơi chuyên nghiệp lâu năm, sức hút tiền ảo cũng lôi kéo cả những "tay mơ" hoặc nhà đầu tư nhiều tiền nhưng non kinh nghiệm.
 Ảnh minh họa
Theo như chỉ đạo của Chính phủ, từ nay tới năm 2019, các đơn vị chức năng sẽ hoàn thành rà soát, nghiên cứu, đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử. Ngay sau khi có thông tin về đề án trên, hàng ngàn người đang đầu tư các loại tiền thuật toán như "vớ được vàng" vì cho rằng, nếu được đồng thuận, bitcoin cùng nhiều loại "tiền ảo" sẽ được công nhận tại Việt Nam. Dù đây mới chỉ là chỉ đạo nghiên cứu nhưng hàng ngàn người đã hưởng ứng, đổ xô đi đầu tư "tiền ảo" bitcoin để hy vọng "đổi đời”.
Theo một nhân viên tại cửa hàng linh kiện máy tính ở Hà Nội cho biết, mỗi máy đào bitcoin có giá khoảng 60 - 70 triệu đồng. Hơn một năm trước mỗi tháng chỉ bán được khoảng một hai máy. Nay giá trị đồng bitcoin tăng lên, cửa hàng nhập về lô nào bán hết lô đó (mỗi lô 5 - 10 máy). Nhiều nhà cung cấp linh kiện máy tính tại Việt Nam còn "cháy hàng" card đồ họa vì nhu cầu "trâu cày BCT" lên cao. Anh Hải - chủ một cửa hàng linh kiện máy tính tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thừa nhận, cao điểm có đợt doanh thu cửa hàng trên hai trăm triệu đồng mỗi ngày nhờ khách đặt cả chục dàn máy.
Tiềm ẩn rủi ro
Chơi bitcoin cũng có không ít rủi ro bởi giá của nó thường tăng, giảm liên tục. Hồi cuối tháng 5 vừa qua, khi bất ngờ giảm giá 19%, tổng giá trị bitcoin trên toàn cầu đã bốc hơi khoảng 4 tỷ USD chỉ trong 4 ngày.
Theo dữ liệu của Bloomberg, 15 đồng tiền ảo được ICO (kêu gọi vốn đầu tư) trong năm nay đã chứng kiến mức tăng bình quân hơn 100%, so với mức tăng giá 13% của các cổ phiếu được IPO (phát hành lần đầu) năm nay. Từ đầu năm tới nay, tổng giá trị các loại tiền ảo mới phát hành đã vượt ngưỡng 100 triệu USD và dự kiến sẽ đạt khoảng 600 triệu USD cả năm. Tuy nhiên, Bloomberg cũng cảnh báo rằng đây không phải là hình thức đầu tư cho người yếu tim. Độ biến động của các đồng tiền ảo mới cũng cực kỳ lớn. Một quỹ đầu tư tiền ảo mang tên TaaS đã chứng kiến giá tiền ảo tăng gấp đôi trong vòng 5 tuần, rồi sau đó tụt 35% chỉ trong 2 ngày.
Năm 2014 và 2015, nhiều hệ thống tiền ảo như bitcoin bị cấm giao dịch ở một số quốc gia như Trung Quốc, Nga, Thái Lan... Các hệ thống kỹ thuật cũng bị hacker tấn công như ở Nhật Bản, Hongkong (Trung Quốc)... dẫn tới nhà đầu tư và người dân bị thiệt hại nặng nề. Một trong những vụ sập sàn tiền ảo bitcoin gây rúng động trên thế giới phải kể đến là sàn tiền ảo Mt. Gox, có trụ sở tại Tokyo. Sàn này đã buộc phải đóng cửa sau khi hứng chịu vụ tấn công mạng khiến toàn bộ số bitcoin bị rút. Trong tuyên bố mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã một lần nữa khẳng định lại quan điểm (từ năm 2014) không công nhận bitcoin là một loại tiền tệ. Bởi lẽ, hệ thống tài chính, năng lực điều hành chính sách tiền tệ, hành vi của công chúng, thông lệ và kinh nghiệm từ quốc tế, tất cả đều chưa sẵn sàng cho đồng tiền này.
BCT là một dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), không được phát hành bởi chính phủ hay một tổ chức tài chính, mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng internet ngang hàng.  Trong tháng 7/2017, Bank of America Merrill Lynch (BoAML) tỏ ra thận trọng về Bitcoin khi cho rằng có quá nhiều trở ngại về đồng tiền ảo này, như các vụ trộm cắp và rủi ro bị tin tặc tấn công. Do đó, nhiều khả năng BCT sẽ không đạt được vị thế là một tài sản thế chấp có thể cầm cố được.

“Cần phải thấy rằng phê duyệt Đề án nghiên cứu về bitcoin và thừa nhận  bitcoin là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Nói cách khác, không có gì bảo đảm rằng Chính phủ sẽ thừa nhận và bảo hộ cho bitcoin trong tương lai khi đề án này được hoàn thiện, triển khai”.
Chuyên gia Bùi Quang Tín